15/03/2015 8:40 PM
Sau Mỹ, Nhật Bản và Anh, đến lượt châu Âu cũng dùng đến gói kích thích kinh tế được gọi là nới lỏng định lượng (QE) để chống tình trạng giảm phát và khuyến khích tăng trưởng.

Phần lớn các nhà kinh tế cho rằng QE đã có tác dụng với các nước, điển hình là Mỹ, trong việc cứu nền kinh tế các nước này khỏi suy thoái. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng QE có thể không phải là liều thuốc hiệu quả cho nền kinh tế châu Âu.


Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Lựa chọn cuối cùng

Sau khi từng phải giảm lãi suất thực tiền gửi về mức dưới 0 năm 2014, hiện giờ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gần như không còn lựa chọn nào khác và buộc phải tiến tới thực hiện một gói QE toàn diện.

Sau hơn một năm ấp ủ, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã vượt qua rào cản từ phe phản đối do Đức dẫn đầu trong Hội đồng quản trị ECB và tung ra một chương trình mua tài sản trị giá 1.100 tỷ euro. QE của ECB có tên gọi Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP).

Mặc dù việc mua trái phiếu chính phủ các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không phải là điều ngạc nhiên nhưng quy mô của gói QE đã khiến thị trường bất ngờ.

Khi thực hiện lời hứa cách đây hai năm là “làm mọi thứ cần thiết” để cứu đồng euro, ông Draghi đã công bố gói QE lớn hơn dự tính và để ngỏ khả năng duy trì QE sau năm 2016 nếu chưa đạt mục tiêu lạm phát gần 2%.

ECB đã bắt đầu mua trái phiếu chính phủ từ ngày 9/3 trong bối cảnh kinh tế ở châu Âu phục hồi chậm chạp, trì trệ nhất so với các khu vực khác trên thế giới kèm theo đó là tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao ngất ngưởng và tình trạng giảm phát đáng lo ngại.

Theo kế hoạch, ECB sẽ mua 60 tỷ euro/tháng các trái phiếu chính phủ, nợ do các thể chế ngân hàng Liên minh châu Âu phát hành và nợ tư nhân từ nay cho đến hết tháng 9/2016. Mục đích là để giảm chi phí vay, giảm lãi suất vay và từ đó kích thích doanh nghiệp, người dân vay tiền chi tiêu, đầu tư.

ECB sẽ không mua quá 25% trái phiếu của một ngân hàng nào đó, chỉ mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp và trái phiếu đáo hạn trong vòng từ 2 đến 30 năm. Lượng trái phiếu mà ECB mua sẽ tùy thuộc vào quy mô nền kinh tế từng nước.

Rủi ro của QE

Theo quan điểm của ngân hàng ECB, gói QE đã có ảnh hưởng từ khi chưa bắt đầu. Sau khi công bố chương trình QE, thị trường đã có phản ứng tích cực, làm giảm chi phí vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Sự tự tin của ECB được thể hiện rõ hơn khi ngân hàng ngày đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng còn quá sớm để nhận định hiệu quả, chứ chưa nói đến thành công của gói QE kiểu châu Âu. Mặc dù có thể thành công ở Mỹ nhưng ngành tài chính ở châu Âu hoàn toàn khác và kết quả có thể không như mong đợi của ECB.

Ông Richard Koo thuộc Viện Nghiên cứu Nomura nhận định trên kênh truyền hình CNBC: Cả Mỹ và châu Âu đều có chung một vấn đề là khu vực tư nhân không vay tiền. Cụ thể, trước khi gói QE được tung ra ở châu Âu, tín dụng khu vực tư nhân (vốn là một chỉ số thể hiện sức khỏe của nền kinh tế) vẫn suy giảm.

Số liệu công bố tháng 2/2015 cho thấy tín dụng khu vực doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình giảm 0,1% trong tháng 1. Do các chính phủ tung ra gói kích thích kinh tế nên các ngân hàng trung ương thừa mứa tiền dự trữ. Dù ngân hàng thừa tiền nhưng các doanh nghiệp lại không chịu vay chi tiêu hay đầu tư mà chỉ chăm chăm trả nợ. Do đó, chính sách tiền tệ trong trường hợp này phần lớn là vô tác dụng.

Đối với QE kiểu châu Âu, mấu chốt thành công của gói kích thích này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp và hộ gia đình có vay tiền hay không. Nếu không, QE sẽ không có tác dụng kích thích kinh tế tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Lueder Gerken, giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu ở Đức cho rằng gói QE sẽ chỉ khiến vấn đề của Eurozone thêm trầm trọng vì nó làm giảm chi phí vay và do đó khiến các chính phủ không còn có áp lực cải cách nữa.

Ngoài ra, khi có một lượng tiền lớn bơm vào hệ thống ngân hàng, nguy cơ hình thành bong bóng tài sản sẽ cao hơn. Do đó, theo ông Gerken, câu trả lời cho cuộc khủng hoảng hiện nay của Eurozone là các thành viên phải thúc đẩy cải cách, tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Một số nhà phân tích thì cho rằng QE không mấy có tác dụng vì được đưa ra quá muộn. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tung QE lúc lạm phát là 1,6%, không cách xa mục tiêu 2% mấy. Còn ECB dùng QE lúc lạm phát ở Eurozone trong tháng 2/2015 là - 0,3%, khoảng cách rất xa so với mục tiêu 2%.

Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nhận định về QE kiểu châu Âu khi mà chương trình này mới vừa khởi động được một tuần. Như ông Dean Popplewell, một chuyên gia tiền tệ thuộc công ty Oanda ở Canada nói: “Chủ tịch ECB Draghi đã dùng mọi dụng cụ trong bếp để giải quyết vấn đề. Bây giờ việc của chúng ta là xem ông có thu được kết quả gì không”.

Thùy Dương (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.