Dự án thí điểm hạ ngầm điện “đẻ”… nhà để bán
Các hộ trình bày, khu đất 22 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh có nguồn gốc là đất nông nghiệp, được đô thị hóa từ những năm 1992 - 1993. Khi đó, HTX nông nghiệp chia cho xã viên làm kinh tế gia đình, bảo đảm cuộc sống. Họ xây dựng, làm nhà, cửa hàng kiên cố kinh doanh, sinh sống ổn định, không có tranh chấp. Sau đó, xã viên cũ nhượng lại đất cho các hộ từ hàng chục năm nay. Giấy tờ mua bán nhà, đất được UBND phường Dịch Vọng Hậu xác nhận, một số hộ có giấy viết tay.
Ngày 14-12-2009, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 11895/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng INDECO (Công ty INDECO) làm chủ đầu tư Dự án thí điểm hạ ngầm đường điện 110KV lộ 173 - 174 Chèm - Giám. Các hộ dân đều ủng hộ dự án, mong cải thiện tình trạng lưới điện cao thế tồn tại suốt 20 năm qua. Ngày 23-2-2010, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 912/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty INDECO xây dựng khu nhà ở thấp tầng trên hành lang bảo vệ an toàn lưới điện sau khi hạ ngầm lưới điện cao thế. Như vậy, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty INDECO “đẻ” thêm Dự án xây dựng khu nhà ở thấp tầng tại các ô đất kí hiệu: TT-01-II, TT-02-III, TT-03-IV, TT-04-V trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, với lí do lấy tiền phục vụ hạ ngầm lưới điện. Từ số nhà 01 đến số nhà 09 đường Trần Quốc Hoàn thuộc ô đất TT-04-V.
Ông Trần Văn Ánh, số nhà 07 phố Trần Quốc Hoàn bức xúc: “Chúng tôi ủng hộ Nhà nước lấy đất phục vụ công trình công, nhưng cần đền bù thỏa đáng, đỡ thiệt thòi cho người dân. Trước đó, chúng tôi liên tục xin được đóng thuế sử dụng đất, nhưng UBND phường Dịch Vọng Hậu luôn từ chối với lí do “đất chưa có quy hoạch”.
Việc hạ ngầm lưới điện đã hoàn thành ngay bên mép đường Trần Quốc Hoàn. Song, việc GPMB xây dựng khu TT-04-V vẫn còn nhiều vướng mắc.
Việc GPMB xây dựng khu TT-04-V trên mặt phố Trần Quốc Hoàn vẫn còn nhiều vướng mắc.
Thu hồi đất có minh bạch, dân chủ?
Hầu hết các lô đất ở đây chưa được cấp sổ đỏ. Từ trước năm 2001, các hộ dân đã có đơn xin cấp GCNQSDĐ, nhưng chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong việc xem xét giải quyết, khiến các hộ dân bị thiệt thòi.
Ông Lương Sỹ Hùng cho biết: “Việc khu đất bị lấy làm dự án, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào từ phường. Chủ đầu tư cũng không hề có phương án tái định cư nào cho chúng tôi”.
Ngày 13-1-2011, cuộc họp giữa UBND phường Dịch Vọng Hậu, chủ đầu tư và… chủ đất cũ từ hàng chục năm trước bàn về việc nhận tiền đền bù, các hộ đang trực tiếp sinh sống và kinh doanh tại đây không được mời dự. Chủ đầu tư đưa ra lí do: Giá đền bù cho chủ cũ cao hơn các hộ mới, người dân sẽ được lợi. Trong khi đó, UBND phường Dịch Vọng Hậu đóng dấu xác nhận việc mua bán nhà giữa họ. Các hộ cho rằng, việc Công ty INDECO cố tình bỏ qua các hộ trực tiếp sinh sống và kinh doanh tại đây, khi không có sự ủy quyền của họ là thiếu dân chủ, không minh bạch. Theo phương án, các hộ chỉ được chủ đầu tư đền bù với giá 252.000 đồng/m2. Thế nhưng, khi chia lô, chủ đầu tư đã bán với giá gần 200 triệu đồng/m2. Sự chênh lệch quá lớn này khiến các hộ dân cảm thấy như bị “cướp đất”. Bởi đây là mảnh đất mà các hộ sinh sống suốt hơn hai chục năm qua, không có tranh chấp.
Ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu khẳng định: “Việc mua bán chuyển nhượng của một số hộ trước đây không hợp pháp, giữa các hộ dân không thỏa thuận được với nhau thì khoản tiền đền bù đó sẽ gửi vào Kho bạc Nhà nước”. Ông Hồng đề nghị chủ đầu tư xem xét để các hộ bị thu hồi đất được mua nhà tái định cư tại chỗ. Sau cuộc tiếp xúc, các hộ đã nộp lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất, giấy tờ mua bán chuyển nhượng đất của họ cho UBND phường Dịch Vọng Hậu để có cơ sở xem xét giải quyết quyền lợi…
Ông Hùng có ý kiến: “Khu đất của chúng tôi bị thu hồi để xây nhà để bán”. Chúng tôi muốn được tái định cư tại chỗ là hoàn toàn hợp lí. Để giảm bớt thiệt thòi, chúng tôi muốn được mua nhà trực tiếp với Nhà nước, chứ không qua bất cứ trung gian nào”.