UBND TP Hà Nội vừa có văn bản xử lý 30 cơ quan, doanh nghiệp để hoang phí hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD

Như nhiều địa phương khác trên cả nước, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm khu “đất vàng” bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi chính quyền lại chưa mạnh tay xử lý thu hồi.


“Đất vàng” để... nuôi bò!


Được xem là khu “đất vàng” của thủ đô nhưng khu đô thị mới Cầu Giấy nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 8 km đến nay vẫn còn nhiều khu vực bỏ hoang phí. Cùng với đó là hàng loạt khu đất “đắc địa” khác rộng hàng trăm ngàn mét vuông ở quận Long Biên, Thanh Trì, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm… đang để cỏ mọc lút đầu người. Ngay cả đất đã được các quận, huyện đấu giá từ 3-4 năm nay như khu đô thị mới Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ… với số tiền chi trả khổng lồ nhưng đến nay vẫn không thấy động đậy. Thậm chí ở khu đô thị mới Cầu Giấy, hiện đất có giá từ 250-300 triệu đồng/m2, 1 lô biệt thự khoảng 250 m2 - 300 m2, tương đương khoảng 60 - 90 tỉ đồng nhưng 4 năm nay vẫn dành đất để… nuôi bò!


PHUNG PHÍ “ĐẤT VÀNG” Hà Nội bỏ hoang đất triệu đô
Một khu đất bỏ hoang trong thời gian dài tại khu đô thị mới Cầu Giấy

Chỉ căn cứ vào con số 30 đơn vị đang sử dụng lãng phí hàng chục ngàn mét vuông đất mà Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa báo cáo với UBND TP Hà Nội đã thấy một phần bức tranh toàn cảnh đất hoang phí ở thủ đô. Điều đáng nói là hầu hết diện tích đất rất lớn này nằm ở những vị trí đắc địa do các “ông lớn” quản lý, như: Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Hà Nội (huyện Thanh Oai); Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa (quận Đống Đa); Công ty Cơ khí Điện tử Tàu thủy (quận Đống Đa); Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5 (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ thương mại (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 8 (huyện Chương Mỹ); Công ty Cổ phần Thiết bị xăng dầu Petrolimex (quận Long Biên)…


Khó xử lý!


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang phí kéo dài do nhiều nguyên nhân, như vướng giải phóng mặt bằng hoặc do chủ đầu tư có vấn đề về tài chính, năng lực. “Chỉ rà soát 118 dự án, chúng tôi phát hiện 16 dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, 16 dự án khác do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai rất ì ạch. Đối với những dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực, nếu tình hình không cải thiện, TP sẽ tiến hành thu hồi. Riêng những dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật (chậm quá 24 tháng so với thời gian thi công cho phép), TP đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, nếu chủ đầu tư không triển khai cũng sẽ bị thu hồi” - ông Khanh khẳng định.


Cũng theo ông Khanh, trong năm 2011, tổng hợp các dự án chậm tiến độ, đất bỏ hoang, Hà Nội đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000 m2. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã công khai trên phương tiện truyền thông danh mục, tên tuổi các dự án lãng phí trong diện phải thu hồi. Tuy nhiên, ông Khanh lại thừa nhận việc “đấu với” các chủ đầu tư có dự án nằm ở vị trí đắc địa nhưng bỏ hoang là không dễ bởi thực tế UBND TP Hà Nội đang bị chủ đất kiện vì chỉ đạo đưa tên doanh nghiệp vi phạm lên internet... Điều này lý giải vì sao danh sách 9 dự án vừa được UBND TP Hà Nội đề xuất thu hồi chỉ là những dự án nhỏ, có tổng diện tích chỉ trên 50.000 m2, còn các “ông lớn” chỉ bị xử phạt hành chính!


Cương quyết thu hồi!

* Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhìn nhận thế nào về thực trạng hàng loạt diện tích “đất vàng” bỏ hoang phí?

- Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Đất sử dụng không hiệu quả thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, dự án nào không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt mà không triển khai xây dựng thì phải kiên quyết thu hồi. Đây là trách nhiệm của các địa phương chứ bộ không thể làm thay.

* Dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân các địa phương thiếu sâu sát trong thẩm định dự án; còn chủ đầu tư thì không đủ năng lực, xí đất để đó rồi sang nhượng lại kiếm lời, gây lãng phí lớn. Như vậy, vấn đề trách nhiệm được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Thủ tướng đã có chỉ thị giao trách nhiệm rõ ràng về việc này, trong đó gắn chặt trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc quy hoạch sử dụng đất. Trên thực tế, các địa phương cũng muốn có thêm nguồn lực lớn từ đất đai. Song do kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm tiến độ, nhưng cũng có những trường hợp do năng lực chủ đầu tư “có vấn đề”… Vì thế, các địa phương phải thường xuyên rà soát, nếu dự án nào không thể triển khai thì thu hồi, dự án nào cần tháo gỡ thì khẩn trương tháo gỡ. Trường hợp nào chây ì thì phải xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, vi phạm nghiêm trọng thì thu hồi.

* Vậy Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm chưa, thưa ông?

- Bộ phải đôn đốc việc này. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì thanh tra, kiểm tra và khi có kết quả thì sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp xử lý.

* Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Hiện bộ chưa có báo cáo đầy đủ về số dự án để hoang mà chỉ có thống kê ruộng đất. Trong trường hợp đặc thù, chuyên ngành, nếu thấy cần thiết thì bộ sẽ yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát, có biện pháp tháo gỡ, xử lý và có báo cáo đầy đủ.


Theo Thế Dũng (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland