Trỗi dậy trong dịch
Ngày 1-1-2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trên hành trình đưa Phú Quốc trở thành một "Singapore mới của châu Á".
Trong một năm đầu với vai trò thành phố biển đảo, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng Phú Quốc vẫn chứng minh được sức sống của một thành phố đang trên đà bứt phá, vươn tầm quốc tế.
Phú Quốc cũng đã khẳng định vị thế vai trò quan trọng đối với kinh tế, du lịch quốc gia khi được chọn là nơi đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế theo "hộ chiếu vắc-xin", mở ra cơ hội phục hồi du lịch.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng 2021 là một năm đáng buồn của du lịch khi hoạt động bị ngưng trệ do dịch Covid-19.
“Đây là năm không mong đợi với Phú Quốc. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng khi dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, Phú Quốc được chọn là điểm đến đầu tiên mở cửa ở Việt Nam. Việc lựa chọn ấy cho thấy, Phú Quốc mang sứ mệnh phát triển ngành du lịch Việt Nam khi giữ được sức sống tốt để phục hồi, phát triển mạnh”, ông Thiên đánh giá.
Nếu hỏi một năm qua Phú Quốc làm được gì, thì có thể thấy công cuộc xây dựng ở Phú Quốc vẫn được tiếp tục. Các công trình hạ tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn phát triển.
Ông Thiên cho biết có 2 điều mà Phú Quốc không ngưng nghỉ trong năm qua.
Một là xây dựng thể chế, chính sách, những điều kiện, quy định dành riêng cho thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Thứ hai, các nền tảng, điều kiện dành cho thành phố du lịch đẳng cấp cao vẫn được tiếp tục.
“Đây là một năm khó khăn, nhưng Phú Quốc vẫn trỗi dậy, không rầm rộ, ồn ào nhưng sức sống vẫn tiếp tục. Bởi nhiều người nghĩ rằng, tương lai Phú Quốc sẽ không bị Covid-19 đè bẹp”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, động lực quan trọng giúp Phú Quốc có được những thành quả tốt trong bối cảnh dịch bệnh chính là có là các tập đoàn lớn tham gia.
Tiếp đó là động lực thể chế. Việc công nhận Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên, trao cho nơi này những thể chế mới và độ mở cao đã tạo ra sức hút các tập đoàn vào đầu tư.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Dự báo về triển vọng và cơ hội của nhà đầu tư tại mảnh đất này, ông Thiên cho rằng Phú Quốc có quy mô diện tích như Singapore nhưng quỹ đất ở Singapore đã hết, cạn kiệt trong khi Phú Quốc còn nhiều.
Cũng theo ông Thiên, trong quy hoạch Phú Quốc không chỉ có du lịch và nghỉ dưỡng, mà còn là đô thị có cuộc sống hiện đại. Ở đây, còn nhiều thứ phải làm trong tương lai, trong đó có dịch vụ, thương mại, dịch vụ sống như trường học, dân cư, tài chính.
Đứng ở góc độ một người làm trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Phú Quốc vẫn là vùng trũng hút đầu tư.
Ông Đính cho biết hiện có trên 300 dự án bất động sản đã được đầu tư tại đây, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn. Số vốn thu hút vào địa phương này lên tới 16-17 tỉ USD (tương đương khoảng 400 nghìn tỉ đồng).
Ngay trong 2021, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, Phú Quốc vẫn thu hút hàng nghìn tỉ đồng đầu tư. Các dự án bất động sản đa dạng, tạo ra cơ sở hạ tầng đúng nghĩa với quy mô một thành phố biển đảo, thành phố du lịch.
Đã là thành phố thì phải đầu tư tương xứng. Tốc độ hình thành đô thị rất nhanh, chỉ trong 5-6 năm, từ một vùng hoang sơ đã trở thành thành phố biển đảo với những phố xá thương mại, khu ăn chơi, phố Tây sầm uất.
Các loại dịch vụ cũng đa dạng, từ các khu nghỉ dưỡng, các khu vui chơi như casino, bar… Hiện trên 50 dự án đã đưa vào khai thác. Đây là sự nỗ lực của nhà đầu tư.
Lãnh đạo Hội môi giới Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2021, đơn vị này vẫn ghi nhận trên 1.000 giao dịch diễn ra ở các dự án bất động sản tại Phú Quốc.
Về giá cả, tỷ lệ tăng giá tại các dự án từ năm 2019 đến nay là khoảng 5-20%. Các dự án bất động sản trong dân lên đến trên 50%.
Theo ông Đính, đây là hiện tượng nóng của thị trường bất động sản Phú Quốc. Lý do là bởi khi hạ tầng tại đây phát triển đồng bộ, sẵn sàng đón nhận 5-10 triệu khách/năm.
Theo ông Đính, để đáp ứng được nhu cầu này cũng cần số lượng lao động, dịch vụ rất lớn. Họ sẽ đến đây sinh sống. Khi đó sẽ hình thành bất động sản về nhà ở, cùng sự phát triển liên quan đến hạ tầng dịch vụ khác.
Hiện nay, một căn condotel có giá khoảng 2-3 tỉ đồng. Một khi thành phố này trở nên sầm uất, có thể xảy ra tình trạng như nhiều thành phố trên thế giới, giá bất động sản lên tới cả triệu đô, vài chục triệu đô la Mỹ/căn.
-
Hơn 600 tỷ huy động từ trái phiếu chảy về dự án của MIK Group tại Phú Quốc
Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Liên Lập vừa công bố kết quả huy động thành công 532 tỷ đồng trong đợt phát hành hai lô trái phiếu vào ngày 22.11.2021.
-
CityLand Phú Quốc "thở phào" khi dự án 4.900 tỷ Phú Quốc được khơi thông
Ngày 14/11, tại kỳ họp thứ 28, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã đồng ý chủ trương chuyển đổi hơn 57 ha đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại Phú Quốc....
-
Eschuri Vung Bau: "Siêu phẩm" golf Việt Nam chinh phục truyền thông Hàn Quốc
Mới đây, truyền hình SBS và nhật báo kinh tế Hàn Quốc – Hankyung giới thiệu Phú Quốc, điểm đến hàng đầu của du khách “xứ sở kim chi” đang thu hút giới mộ điệu golf với sự ra mắt của Eschuri Vung Bau Golf....
-
Kiên Giang thống nhất kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến 139.000 tỷ đồng
Sáng 30/9, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 26 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.