13/05/2015 9:19 PM
"Sóng" đầu tư thứ 2 đang lan rộng ở huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) từ đầu năm 2014, nhưng mới chỉ có vài dự án được triển khai xây dựng trong hàng trăm dự án đăng kí đầu tư. Doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thì triển khai ồ ạt, còn một số chủ dự án lại dè dặt, thận trọng "co kéo" vốn và tính toán hiệu quả kinh tế.

Phú Quốc hiện đã trở thành điểm đến cho khoảng 100 dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf... Tổng mức vốn đăng kí lên tới 40.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD. Nhưng sau khi "xẻ" dọc bãi biển và chia lô, không ít dự án đã rơi vào tình trạng "nghỉ dưỡng" nhiều năm trời.

Từ công bố vốn "khủng"

Khi xuất hiện cơn "sốt" đầu tư vào Phú Quốc hơn 4 năm trước, hàng loạt đại gia tên tuổi đã nhanh chân "xí" những vị trí đất vàng bãi biển tại đây. Đẹp nhất phải kể đến là bãi Trường – bãi biển dài cát trắng, nằm ở ngay trung tâm Thị trấn Dương Đông, chỉ cách sân bay Phú Quốc vài phút chạy xe. Tại đây, nhiều dự án rất "hoành tráng" được đăng kí đầu tư với quy mô vốn từ vài nghìn, đến cả chục nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, dự án khách sạn 5 sao của Tập đoàn BIM (tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng), Công ty Quý Hải đăng kí triển khai dự án khách sạn 4 sao và trung tâm hội nghị quốc tế, Công ty CP đầu tư CEO Group đầu tư tới 3 dự án (tổng mức vốn hơn 6.000 tỷ đồng), dự án resort Hòa Bình (1.000 tỷ đồng)…

Năm 2014, dự án resort Hòa Bình – do Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam làm chủ đầu tư - được khởi công lại sau khi phải "đắp chiếu" suốt 15 năm. Dự án của BIM cũng "án binh bất động" từ năm 2010 và đến năm ngoái, mới được khởi công xây dựng.

Có quỹ đất tới 300ha tại Phú Quốc, CEO Group cũng "ấp ủ" tới 3 dự án quy mô lớn với tổng mức vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Lớn nhất là dự án Sonasea Villas&Resort có mức vốn hơn 4.500 tỷ đồng. Hạng mục đầu tiên thi công - khách sạn Novotel 4 sao – đã cất nóc xong và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Lãnh đạo CEO Group cho biết, Sonasea Villas&Resort là dự án trọng điểm, được công ty tập trung nguồn lực, dồn vốn triển khai, sớm tạo dòng tiền trong các năm tới. Riêng tiến độ thi công hạng mục khách sạn sẽ được rút ngắn chỉ còn 12 tháng, thấp hơn nhiều thời gian 24-36 tháng như dự tính của đối tác tư vấn.

Phú Quốc hiện có khoảng 100 dự án đăng kí đầu tư với số vốn tới 2 tỷ USD

Dự án hiện đã cơ bản hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật của các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng. Nhưng công ty sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các khu biệt thự, thay vì chỉ phân lô, bán nền để đảm bảo quy hoạch tổng thể.

Đến cuối năm 2014, một số dự án lớn khác cũng đã được khởi công xây dựng, như: dự án khu du lịch Star Bay (khách sạn 250 phòng và 50 Bungalows); khách sạn JW Marriot (khu du lịch Bãi Khem), dự án The Ascent…

Thực tế, các chính sách thu hút đầu tư vào Phú Quốc và sự xuất hiện nhà đầu tư tầm cỡ là Vingroup đã có tác động "kích thích" thị trường hồi phục. Một số dự án "tỉnh giấc", được khởi động lại, hoặc đẩy nhanh tiến độ thi công vài hạng mục nhỏ...
Cũng có không ít doanh nghiệp đăng kí đầu tư mới vào Phú Quốc, hoặc mua lại một phần hoặc cả dự án có vị trí "đất vàng" bãi biển từ các chủ dự án gặp khó khăn tài chính, không có khả năng triển khai tiếp.

Ồ ạt đăng kí đầu tư vào Phú Quốc với lượng vốn cả chục nghìn tỷ đồng, vậy các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi dự án đến cùng, thay vì chỉ "xí" đất vàng rồi bỏ hoang?

Đến… "xoay" vốn

Như dự án Sonasea Villas&Resort của CEO Group, Chủ tịch Đoàn Văn Bình cho biết, "các nguồn vốn từ tăng vốn điều lệ, vay ngân hàng, doanh thu bán hàng, chuyển nhượng 1 lô đất mặt biển… có thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho dự án tại Phú Quốc".

Được biết, hạng mục khách sạn có mức vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV – đối tác chiến lược – đã cam kết tài trợ cho CEO khoảng 600 tỷ đồng. Trước đó, CEO đã được Ngân hàng MB (cổ đông lớn sở hữu 8,01% vốn) hỗ trợ tín dụng, nhưng cuối năm 2014, ngân hàng đã rút hết vốn khỏi doanh nghiệp.
Hiện, tổng nợ vay ngân hàng phục vụ đầu tư tại Phú Quốc là hơn 292 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2014). Trong 3 năm qua, CEO Group đã trả tổng số nợ gốc và lãi vay tới 370 tỷ đồng, chiếm 47% tổng doanh thu thuần.

Như vậy, dự án này còn cần huy động thêm hơn 3.500 tỷ đồng, áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp từ nay đến năm 2019. Và áp lực trả nợ gốc vay và chi phí lãi vay sẽ càng tăng mạnh để phục vụ đầu tư cả 3 dự án có tổng mức vốn trên 6.000 tỷ đồng.

BIM Group (Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long) từng được biết đến là chủ hãng bay tư nhân - AirMekong (đã bị khai tử). Ở lĩnh vực bất động sản, riêng công ty con – Công ty cổ phần đầu tư phát triển Syrena Việt Nam (vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng) – hiện đầu tư tới 16 dự án ở trong và ngoài nước.

Trong đó, có dự án khu du lịch sinh thái rộng tới 200ha tại Phú Quốc, mà BIM vừa xây dựng 1 khách sạn 5 sao có mức vốn 1.500 tỷ đồng. Dù công bố đầu tư cả nghìn tỷ vào Phú Quốc, nhưng thông tin tài chính của BIM và công ty Syrena Việt Nam hiện vẫn là điều… bí ẩn!

Mặc dù thị trường Phú Quốc đang nổi "sóng", nhưng một số ngân hàng rất thận trọng cho vay đầu tư dự án lớn, đánh giá, thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư và tính khả thi của dự án. Điều này nhằm tránh rủi ro như đã từng "sa lầy" tại vô số dự án nghìn tỷ khác!

Thu Hằng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.