Nơi không có
Theo Luật nhà ở (năm 2005), các chung cư bắt buộc phải có phòng sinh hoạt cộng đồng để phục vụ nhu cầu hội họp của cư dân. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư được phê duyệt không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng, chủ đầu tư phải dành diện tích thuộc sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng (tối thiểu 36m2).
Quy định là vậy, nhưng nhiều tòa chung cư ở Hà Nội thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng, thậm chí khi bàn giao tòa nhà cho ban quản trị, chủ đầu tư đều “bớt xén” diện tích. Nguyên nhân chính bởi phần diện tích này lớn, giá trị khai thác, kinh doanh, cho thuê mang lại lợi nhuận cao. Việc chiếm dụng trái phép nơi dành cho sinh hoạt cộng đồng diễn ra phổ biến trong khi thiếu người lên tiếng bảo vệ quyền lợi của cư dân.
Nằm ngay tại vị trí trung tâm trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), tòa B4 Kim Liên được chủ đầu tư khai thác triệt để tầng 1, 2 thành những cửa hàng cho thuê. Bà Nguyễn Thị Hồng, cư dân tòa nhà chia sẻ: “Cư dân bức xúc vì xung quanh tòa nhà bị chiếm dụng làm nơi gửi xe khiến chúng tôi không có chỗ đi lại. Từ ngày dọn về đây, tôi không biết chỗ nào là phòng sinh hoạt cộng đồng. Người dân phải họp ở hành lang chung cư hoặc ở căn hộ riêng của một cư dân vì không có phòng họp chung”. Theo khảo sát của Tiền Phong, mỗi kiốt bán hàng (khoảng 10 - 25m2) ở đây có giá thuê từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.
Tương tự như tòa B4 Kim Liên, các tòa N1, N2, N4... chung cư Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị chủ đầu tư “hô biến” phòng sinh hoạt cộng đồng tầng 1 thành văn phòng, địa điểm kinh doanh. Ông Ðỗ Ngọc Hiểu, tổ trưởng tổ dân phố số 2, khu N1 cho biết, vì không có địa điểm sinh hoạt nên các cuộc họp được tổ chức tại căn hộ của cư dân. Có cuộc tổ chức tại nhà để xe của chung cư, thậm chí tại quán nước ở sân khu chung cư. Cũng vì điều này mà nhiều cư dân ngại tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn thể. Không có địa điểm sinh hoạt cộng đồng nên các kiến nghị, nguyện vọng của người dân với đơn vị quản lý khu chung cư không được phản ánh, giải quyết đầy đủ, kịp thời, gây bức xúc cho cả hai bên.
Sở dĩ phòng sinh hoạt cộng đồng bị chủ đầu tư chiếm dụng nhiều năm không bị xử lý bởi nhiều tòa chung cư thiếu ban quản trị đứng ra bảo vệ quyền lợi của cư dân. Trong khi đó, theo Thông tư 02 mới đây của Bộ Xây dựng về quản lý tòa chung cư, phòng sinh hoạt phải bàn giao cho ban quản trị tòa nhà quản lý. Với những tòa không có ban quản trị, người dân chẳng biết kêu ai, mặc chủ đầu tư chiếm dụng.
Theo khảo sát của Tiền Phong, nhiều tòa chung cư có vị trí trung tâm đều bị chiếm dụng phần diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng như: toà M3, M4, M5 chung cư Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội)...
Chỗ bỏ hoang
Bên cạnh đó, nhiều toà chung cư, phòng sinh hoạt cộng đồng lại “vô tư” bỏ hoang, xập xệ gây mất mỹ quan và lãng phí lớn. Tại tòa CT 19A Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), phòng sinh hoạt cộng đồng luôn trong tình trạng ẩm thấp, nhếch nhác. Thay vì để hội họp, giao lưu, nơi đây lại biến thành nhà kho chứa đồ như: xe đạp trẻ con, xe tập đi...
Còn khu tái định cư thành phố giao lưu (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù đã đi vào sử dụng vài năm nhưng phòng sinh hoạt cộng đồng tại sảnh tầng 1 bỏ không từng đấy năm. Đại diện ban quản lý tòa nhà cho hay, do cư dân không có nhu cầu hội họp nên ban quản lý tòa nhà dùng tạm để chứa đồ như: bàn ghế, tủ... của người dân mỗi khi chuyển nhà không sử dụng. Biết là lãng phí nhưng Ban quản lý cũng không biết dùng phòng sinh hoạt vào việc gì.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, việc bùng nổ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều tòa chung cư liên quan đến phần diện tích chung. Nhiều tòa chung cư, chủ đầu tư ngang nhiên “bớt xén” phòng sinh hoạt cộng động. Một số ban quản trị chung cư đã đấu tranh đòi thành công phần diện tích sinh hoạt chung này nhưng nhiều nơi người dân không biết kêu ai do chưa thành lập ban quản trị.
Theo vị này, để xảy ra tình trạng trên là lỗi của thanh tra dưới quận, huyện. Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc việc kiểm tra việc quản lý sử dụng nhà chung cư có đúng với thiết kế, công năng của tòa nhà không. Việc bê trễ của đội ngũ thanh tra khiến chủ đầu tư cố tình chây ỳ bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng.
Sở dĩ phòng sinh hoạt cộng đồng bị chủ đầu tư chiếm dụng nhiều năm không bị xử lý bởi nhiều toà chung cư thiếu ban quản trị đứng ra bảo vệ quyền lợi của cư dân. Trong khi đó, theo Thông tư 02 mới đây của Bộ Xây dựng về quản lý tòa chung cư, phòng sinh hoạt phải bàn giao cho ban quản trị toà nhà quản lý. Với những tòa không có ban quản trị, người dân chẳng biết kêu ai, mặc chủ đầu tư chiếm dụng. |