Lực lượng chữa cháy cơ sở ở nhiều khu chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội ứng trực quá mỏng, không được huấn luyện nghiệp vụ PCCC hàng năm, không thao tác, sử dụng thành thạo, không đủ khả năng vận hành hệ thống chữa cháy tại các tòa nhà khi hỏa hoạn xảy ra - cảnh báo được Cảnh sát PCCC đưa ra sau đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC nhà và công trình cao tầng trên địa bàn Thủ đô.

CBCS tập trung truyên truyền PCCC tại khu dân cư vào các buổi tối

Nhiều chủ đầu tư phớt lờ an toàn

Theo Thượng tá Trần Quang Cường - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội: Tính đến đầu năm 2013, toàn địa bàn Thủ đô có 716 cơ sở nhà và công trình cao tầng (529 đã đi vào hoạt động, 187 đang thi công). Kết quả kiểm tra an toàn PCCC tại các công trình này cho thấy, Ban quản lý (BQL) nhiều khu chung cư có nhiều vi phạm về PCCC, bất chấp các kiến nghị, yêu cầu khắc phục của lực lượng chức năng.

Theo đó, chỉ có 353/507 khu nhà và công trình cao tầng đã kiểm tra được nghiệm thu về PCCC; 288/507 nhà, công trình cao tầng được cấp chứng nhận đủ điều kiện về PCCC. Không đảm bảo các quy định về PCCC, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn cố tình đưa nhiều công trình nhà cao tầng vào hoạt động mà không bị chính quyền các địa phương xử lý. Trong số 22 hạng mục mà lực lượng kiểm tra an toàn phòng cháy - Sở Cảnh sát PC&CC tập trung kiểm tra, lỗi nhiều cơ sở mắc nhất, cũng được đánh giá là sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không may hỏa hoạn xảy ra, là chưa thành lập lực lượng PCCC cơ sở đảm bảo theo quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện mới có 398/507 cơ sở có đội PCCC đảm bảo số lượng.

Đại diện Phòng Hướng dẫn về an toàn phòng cháy thông tin: Đội chữa cháy cơ sở tại các khu chung cư, nhà tái định cư thường là bảo vệ tòa nhà, mỗi ca bố trí 1-3 người ứng trực. Lực lượng bảo vệ thường xuyên thay đổi, nhiều người không qua huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, không biết cách vận hành hệ thống PCCC của tòa nhà. Lý giải về sự xuống cấp của các trang thiết bị PCCC ở nhiều nhà tái định cư, chung cư xây dựng cách đây 5-7 năm, cơ quan công an cho biết, có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất: do chủ đầu tư không dự trù kinh phí để trang bị, bảo dưỡng phương tiện ngay từ lúc khởi công, nên khi hỏng hóc không có nguồn trang trải, cũng không thể kêu gọi nhân dân đóng góp; thứ hai - phổ biến hơn, do chủ đầu tư nhiều công trình chỉ lo bán căn hộ để thu hồi vốn, mà không quan tâm đến việc duy trì, thành lập các BQL khu nhà nhằm duy trì hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc trong chung cư.

Tập huấn vào buổi tối

Vi phạm PCCC tại nhà và công trình cao tầng trên địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều năm nay, nguyên nhân chậm khắc phục luôn được BQL các cơ sở này “đổ” cho... thiếu kinh phí. “Lời giải” nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các vụ, sự cố cháy tại nhà và công trình cao tầng do vậy vẫn chủ yếu là tuyên truyền. Bên cạnh việc tuyên truyền trên báo, loa phát thanh, tờ rơi, Cảnh sát PCCC một số phòng khu vực - nơi tập trung nhiều chung cư, đang thí điểm mở các lớp tuyên truyền PCCC cho các hộ dân vào ngoài giờ hành chính. Theo chân Thiếu tá Nguyễn Đức Thành - Đội phó Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC Long Biên, dự một lớp tập huấn PCCC cho các hộ dân tại một tòa chung cư thuộc Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), điều khiến chúng tôi bất ngờ là sự có mặt từ rất sớm của hàng trăm học viên, đủ giới tính, lứa tuổi. Chia sẻ về điều này, Thiếu tá Nguyễn Đức Thành cho biết: Các lớp tập huấn về PCCC mở tại nhiều khu dân cư, trong giờ hành chính trước đây, thực tế rất ít người tham gia, thành phần chủ yếu là người già, người giúp việc và trẻ em, nên hiệu quả tuyên truyền hạn chế. Rút kinh nghiệm việc đó, từ cuối năm 2012 đến nay, nhiều lớp tuyên truyền PCCC được tổ chức vào buổi tối.

Tác hại từ chuyển đổi công năng hoặc tàn lửa trong ống thu rác

Theo cơ quan công an, một số vụ cháy chung cư gần đây trên địa bàn Hà Nội được xác định nguyên nhân do điện. Nhiều hộ dân hiện cho thuê nhà ở làm văn phòng, chuyển đổi công năng từ nhà ở sang văn phòng sẽ phát sinh nhiều thiết bị tiêu thụ điện, tình trạng quá tải, chập cháy đường dây dễ xảy ra. Đáng chú ý, quá trình kiểm tra các chung cư, công trình nhà cao tầng, Cảnh sát PCCC còn ghi nhận tại một số tòa nhà, người dân vẫn sử dụng ngọn lửa trần đun nấu ngoài hành lang, cầu thang, hóa vàng mã không đúng nơi quy định, đổ than, tro vào ống thu rác, tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn như vụ cháy chung cư JSC34 (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) khiến 2 người thiệt mạng.
Thu Hạnh (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.