Sau ngày đầu tuần nghỉ lễ Lao động, chứng khoán Phố Wall đã mở cửa trở lại trong phiên giao dịch 2/9 với các mức tăng giảm trái chiều, giữa bối cảnh giới đầu tư vừa "tận hưởng" dư vị thăng hoa của thị trường cổ phiếu trong tháng Tám, vừa thận trọng chờ đợi các thông tin mới từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và thị trường lao động Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Tại sàn giao dịch cổ phiếu New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 30,89 điểm (0,18%), xuống còn 17.067,56 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 1,09 điểm (0,05%), xuống 2.002,28 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 17,92 điểm (0,39%) lên 4.598,19 điểm.

Theo ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thuộc Rockwell Global Capital, thị trường cần "nghỉ xả hơi" sau khi ghi nhận đà lên điểm ấn tượng vào tháng Tám vừa qua, khi cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 4%.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang nóng lòng chờ đón các thông tin mới từ cuộc họp chính sách sắp tới của ECB, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai (4/9), với nhiều đồn đoán rằng sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ được đưa ra.

Bên cạnh đó, báo cáo về thị trường việc làm của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 5/9 cũng đang nằm trong mối quan tâm của giới đầu tư nhằm có thêm những tín hiệu rõ ràng về sự phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cùng lúc này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, xu hướng lên xuống bất nhất cũng diễn ra tại hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu, khi các nhà đầu tư cổ phiếu đang hướng sự tập trung vào cuộc họp chính sách tháng Chín của ECB và gạt sang một bên những lo ngại về tình hình bất ổn địa chính trị tại Ukraine.

Chốt phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,06%, lên 6.829,17 điểm. Tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng tiến 0,30%, lên 9.507,02 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp lại mất 0,03%, xuống 4.378,33 điểm.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch ECB Mario Draghi mới đây đã nhất trí rằng để ngăn chặn nguy cơ giảm phát tại châu Âu, nhu cầu tiêu thụ của khu vực này cần phải được thúc đẩy mạnh hơn. ECB đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời bơm một lượng lớn tiền vào các ngân hàng với lãi suất cực thấp nhằm kích thích hoạt động cho vay tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Sang tới phiên giao dịch ngày 3/9 tại thị trường châu Á, các thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng, nhờ một loạt số liệu tích cực mới đây từ kinh tế Mỹ. Đáng chú ý là việc Viện Quản lý nguồn cung Mỹ vừa công bố báo cáo cho hay hoạt động chế tạo của nước này tăng mạnh trong tháng Tám vừa qua, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2011.

Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 129,19 điểm (0,82%), lên 15.797,79 điểm, giữa lúc đồng USD tăng vượt mốc 105 yen/USD. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt tăng 4,04 điểm (0,18%) và 37,02 điểm (0,15%), lên 2.270,09 điểm và 24.786,04 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.