Ngày 20/11, tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác có buổi làm việc với 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL về việc thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực này.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh.
Đến nay, 3 dự án đang tổ chức thi công, riêng dự án Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL. Ảnh VGP
Về nguồn cát đắp đường, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã xác định được nguồn 25,7 triệu m3/nhu cầu 18,5 triệu m3; đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 23,1 triệu m3 và đang hoàn thiện thủ tục khai thác 2,6 triệu m3.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đã xác định đủ nguồn và đang hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác cung cấp cho đoạn qua tỉnh Hậu Giang 6 triệu m3; đoạn qua Sóc Trăng 6,6 triệu m3, còn đoạn qua An Giang thiếu 3 triệu m3/nhu cầu 9,3 triệu m3, đoạn qua Cần Thơ còn thiếu 1,85 triệu m3/nhu cầu 7 triệu m3.
Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã xác định đủ nguồn 3,8 triệu m3 và cấp phép khai thác.
Như vậy, tổng khối lượng cát đắp nền chưa xác định được nguồn 7,45 triệu m3 (tỉnh Tiền Giang là 3,25 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long là 1,2 triệu m3; tỉnh An Giang là 3 triệu m3).
Tổng nhu cầu vật liệu cấp phối đá dăm cho cả 3 dự án trên là 5,19 triệu m3 và đã xác định đủ nguồn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, mặc dù trữ lượng các mỏ cát đắp đường cơ bản đáp ứng nhưng việc triển khai thủ tục cấp mỏ cát, công suất khai thác chưa theo kịp tiến độ thi công, đặc biệt là những đoạn tuyến có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025.
Nhiều mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đạt tiêu chuẩn nên phải tìm kiếm mỏ khác thay thế.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh đã phân tích, làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc xác định nguồn, khó khăn trong thủ tục cấp phép khai thác mỏ, nâng công suất ưu tiên cấp cho các dự án cao tốc; phương án thay thế các mỏ không đạt chuẩn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra điểm cuối dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối với cảng biển Trần Đề
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các dự án cao tốc ở ĐBSCL là những dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, mở đường, tạo động lực phát triển cho vùng.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để bù trừ giải quyết rủi ro trong tính toán nguồn cát san lấp.
Phó Thủ tướng lưu ý dù không thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù nhưng các địa phương phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát, sử dụng công cụ, mô hình tính toán, công nghệ kỹ thuật để xác định độ sâu khai thác mỏ cát, bảo đảm an toàn môi trường, không gây ra sạt lở.
Hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng và tổ chức khai thác mỏ cát phải gắn với trách nhiệm của các ban quản lý dự án, nhà thầu.
Về khai thác cát biển tại khu vực chưa xác định ranh giới quản lý giữa các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đây là tài nguyên chung để phục vụ dự án trọng điểm quốc gia và sẽ kết thúc sau khi hoàn thành"; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ khẩn trương xác định ranh giới quản lý khu vực biển giữa các địa phương.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai đánh giá toàn bộ trữ lượng cát sông, biển tại khu vực ĐBSCL.
Để xử lý nút thắt về giá cung cấp cát từ các mỏ thương mại cho dự án cao tốc, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp khai thác, nhà thầu, địa phương, các bộ ngành liên quan cùng làm việc, thống nhất phương án trên nguyên tắc "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".
-
Nguồn vật liệu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện ra sao?
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cố gắng tối đa sử dụng cát biển tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Những vị trí cấp thiết, không dùng được cát biển thì mới sử dụng cát sông.
-
Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn cho hai dự án nhà ở xã hội gần 1.900 tỷ đồng
Hai dự án nhà ở xã hội có tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang được tháo gỡ vướng mắc để khởi công xây dựng trong quý 1/2025
-
Đề xuất 1.870 tỷ đồng xây đường nối quốc lộ 60 với cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam
Tỉnh Sóc Trăng đề nghị xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 60 với cầu Đại Ngãi có chiều dài 14km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.870 tỷ đồng. Dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội....
-
Đề xuất gần 1.900 tỉ xây đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60
Đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 14km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng.