NHNN chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với một vài loại hình hoạt động, còn việc kinh doanh vàng doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tại Sở Kế hoạch và đầu tư.
Bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phân tích một số vấn đề kinh tế vĩ mô và những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tới. CafeF đã biên tập lại một số nội dung đáng chú ý trong bài viết.

Kiềm chế lạm phát, cải thiện và tăng dự trữ quốc gia là hai mục tiêu tiên quyết

Theo phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam nên chọn mục tiêu kiềm chế lạm phát; cải thiện và tăng dự trữ quốc gia là hai mục tiêu tiên quyết cho giai đoạn phát triển hiện nay; các mục tiêu khác phải là các mục tiêu thỏa hiệp, sẽ điều chỉnh một cách thích hợp nhằm đạt được hai mục tiêu tiên quyết nói trên.

Trong ngắn hạn nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ có hiệu ứng nhanh nhất. Tuy nhiên, những kết quả mà chính sách này mang lại sẽ không bền vững nếu nhóm các giải pháp khác như chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế … không kịp thời được triển khai đồng bộ.

Lập lại kỷ cương thị trường ngoại hối, vàng

Từ trước đến nay pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, việc thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ…

Thực trạng

Pháp luật đã qui định rõ ràng nhưng do công tác quản lý chưa tốt nên trong thời gian qua thị trường ngoại tệ tự do ngày càng trở nên sôi động, trắng trợn hoạt động bất chấp pháp luật.

Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có hẳn những đường phố mua bán, thanh toán ngoại trệ trái quy định của pháp luật, vận chuyển ngoại tệ trái phép, qui mô hoạt động lớn từ vài triệu đến hàng chục triệu đô la tiền mặt, có mạng lưới trong cả nước, thậm chí còn liên thông ra nước ngoài làm dịch vụ chuyển tiền trái phép.

Chính các lực lượng này đã tổ chức làm giá, tung tin thất thiệt, tạo ra những cơn sốt giả làm náo loạn thị trường tự do để kiếm lời, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, hiện nay trong cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 4.000 doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, một số doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch vàng mini, tổ chức các hoạt động huy động và cho vay nặng lãi bất chấp pháp luật để kinh doanh vàng, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời.

Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với qui mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn. Lợi dụng việc chưa có các qui định cụ thể giữa vàng nguyên liệu và vàng trang sức, tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức trong những năm vừa qua cũng khá phổ biến, có năm lên đến hàng chục tấn.

Nguyên nhân: Chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán

Nguyên nhân khách quan: Trong thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô của ta không vững chắc, lạm phát luôn ở mức cao, VND mất giá liên tục… điều này làm cho niềm tin của người dân vào giá trị VND bị giảm sút, tâm lý tiết kiệm và nắm giữ ngoại tệ, vàng gia tăng. Giá vàng quốc tế tăng mạnh và biến động thất thường vượt quá khả năng dự báo.

Nguyên nhân chủ quan: Công tác quản lý thị trường chúng ta làm chưa tốt. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an, quản lý thị trường, Thanh tra NHNN chưa chặt chẽ và thường xuyên; các chế tài xử lý còn bất cập, không còn phù hợp với tình hình mới, tính răn đe không cao; chưa có chế độ đãi ngộ và khen thưởng hợp lý để kịp thời động viên và tạo điều kiện làm việc cho các lực lượng quản lý thị trường.


Đối với hoạt động kinh doanh vàng, chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán, do đó tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý:

Theo qui định tại Luật NHNN, Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng theo các qui định hiện hành, NHNN chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với các loại hình hoạt động sau đây: Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tất cả các hoạt động khác như mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều không do NHNN quản lý mà được cấp phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công Thương; xuất nhập khẩu qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các qui định cụ thể để điều tiết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán vàng, xuất nhập khẩu vàng của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn rất thiếu.

Theo qui định tại mục 2 phụ lục III Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ qui định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Do vậy, tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trên địa bàn và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng.

Ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không có các qui định để điều phối, kiểm soát. Không có các qui định để phân biệt vàng trang sức, mỹ nghệ với các loại vàng khác.

Các qui định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng cũng còn nhiều bất cập.

Vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ chức năng của đồng tiền thứ 2 trên lãnh thổ Việt Nam

Hiện nay, có 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Riêng vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn SJC chiếm trên 80% thị phần vàng miếng cả nước và được một số thị trường vàng quốc tế có uy tín chấp nhận. Như vậy, vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam: Thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán.

Đã là tiền tệ thì phải là hàng hóa đặc biệt do Ngân hàng Trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hơn nữa, nước ta không phải là một nước sản xuất vàng, số vàng có được đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và có tính chuyển đổi ra ngoại tệ rất cao.

Như vậy vàng miếng còn là ngoại tệ mà ta có cả chế độ quản lý ngoại hối, trong khi đó pháp luật hiện hành của ta coi vàng miếng là hàng hóa thông thường, lưu hành như mọi hàng hóa khác.

Sự vào cuộc của Ngân hàng nhà nước

Qua phân tích tình hình nêu trên, cũng như đánh giá các nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta thấy rằng để xóa bỏ thị trường tự do về ngoại tệ, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối, cũng như tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp, lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng nói chung, vàng miếng nói riêng theo hướng từng bước thu hẹp và tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, chúng ta phải giải quyết được cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan như đã trình bày ở trên.


NHNN đã phối hợp với các Bộ, các ngành dự thảo xong Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (phần về ngoại tệ và vàng). Nghị định này đã được Chính phủ cho phép xây dựng theo qui trình rút gọn để sớm có hiệu lực thi hành và hiện đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 4/2011.


NHNN cũng đã dự thảo xong Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng trong tháng 4/2011 và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II/2011.

Theo Nguyễn Văn Bình
Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thống đốc NHNN

Cafeland.vn - Theo CaFef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland