Khách hàng tham quan nhà mẫu ở một dự án của quận 9, TPHCM. Ảnh: Thanh Tao.
Cú lao dốc của doanh thu và lợi nhuận
Tính đến hết tuần đầu tiên của tháng 11, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mới chỉ công bố báo cáo riêng lẻ quí 3-2011, tuy nhiên bức tranh chung về ngành này cũng đã khá rõ ràng. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều sụt giảm rất mạnh, nhiều đơn vị còn rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quí 3 của Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), doanh thu chín tháng đầu năm 2011 đạt 119 tỉ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận vỏn vẹn 1,46 tỉ đồng, giảm 99%. Đặc biệt, trong quí 3 vừa qua, doanh nghiệp này gần như không bán được một căn hộ nào khi mà doanh thu chỉ có 1 tỉ đồng, mà phần đóng góp đáng kể là từ phí giữ xe tại dự án The EverRich 1.
Một doanh nghiệp BĐS phía Nam khác là Công ty cổ phần Quốc Cường - Gia Lai (QCG) cũng có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. BCTC chín tháng của QCG cho biết doanh thu đạt 85,99 tỉ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ và thua lỗ 9,32 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lợi nhuận là 221 tỉ đồng. Nguyên nhân thua lỗ của QCG, ngoài việc do doanh thu sụt giảm mạnh, còn do chi phí tài chính tăng vọt, từ mức 10 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước lên 51 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay.
Trong cơn khủng hoảng, ngay cả các “lão làng” trong ngành BĐS cũng không thoát khỏi tình trạng lao dốc về doanh thu và lợi nhuận như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty Phát triển nhà Từ Liêm (NTL), Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), Công ty Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng tàu (HDC) …
Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp khác phải thua lỗ do không chịu nổi “sự băng giá” của thị trường. Trong quí 3-2011, Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (SJS) lỗ 9,23 tỉ đồng, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TĐH) lỗ gần 6 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng đầu năm, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) lỗ 119 tỉ đồng (riêng công ty mẹ), Công ty Đầu tư và Kinh doanh nhà Intresco (ITC) lỗ gần 81 tỉ đồng…
Thống kê cho thấy, trong 69 công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS đang niêm yết thì doanh thu trung bình của các công ty giảm gần 40%, còn lợi nhuận giảm 70%.
Các chính sách siết chặt tín dụng phi sản xuất cùng lãi suất quá cao đã khiến cho thị trường BĐS đóng băng. Làn sóng đầu cơ vào BĐS gần như bị dập tắt. Doanh nghiệp không bán được hàng, trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt.
Hàng tồn kho quá lớn
Hiện nay, rủi ro khá lớn đối với doanh nghiệp BĐS còn nằm ở hàng tồn kho, chi phí xây dựng dở dang và các khoản phải thu tăng vọt. Việc Công ty Địa ốc Dầu khí (PVL) cùng một vài doanh nghiệp khác phải “đại hạ giá” căn hộ là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức chịu đựng của các doanh nghiệp BĐS đang dần đi tới giới hạn.
Theo BCTC công ty mẹ, tính đến cuối tháng 9-2011, hàng tồn kho của Công ty Phát Đạt (PDR) lên tới 3.763 tỉ đồng, chiếm đến 86,32% tổng tài sản và bằng 31,62 lần doanh thu trong chín tháng. Mặc dù hàng tồn kho của PDR chủ yếu tại hai dự án đang triển khai là EverRich 2 và 3 nhưng rủi ro với doanh nghiệp này vẫn quá lớn. Điểm đáng lưu ý là “khoản phải thu khách hàng” và “người mua trả tiền trước” trên BCTC rất khiêm tốn, lần lượt là 137,5 tỉ đồng và 234,8 tỉ đồng, cho thấy những căn hộ tại hai dự án này vẫn chưa bán được bao nhiêu.
Công ty BĐS khác là HAG cũng có hàng tồn kho rất lớn. Trong báo cáo quí 3 của công ty mẹ, hàng tồn kho chỉ có 520 tỉ đồng, tuy nhiên trong báo cáo hợp nhất bán niên thì hàng tồn kho lại lên tới 4.541 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng căn hộ lên tới 3.721 tỉ đồng, cao hơn nhiều lần doanh thu.
Với SJS, trên BCTC, hàng tồn kho thực chất nằm ở xây dựng dở dang với giá trị lên tới 3.091 tỉ đồng, cao gấp 37 lần doanh thu trong chín tháng đầu năm 2011. Theo thuyết minh BCTC thì chi phí xây dựng dở dang chủ yếu nằm ở hai dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và Hòa Hải (Đà Nẵng). Trong trường hợp dự án Nam An Khánh bị dừng như các thông tin gần đây thì tương lai của SJS sẽ hết sức mù mịt.
Thực ra, danh sách các doanh nghiệp BĐS bị “ngập” trong khoản phải thu và hàng tồn kho lớn hiện nay vẫn còn nhiều, có thể kể thêm như: Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC) với khoản phải thu lên tới 1.715 tỉ đồng, hàng tồn kho lên tới 639 tỉ đồng; hoặc BCI với hạng mục hàng tồn kho lên tới 2.273 tỉ đồng, trong khi doanh thu chín tháng có 150 tỉ đồng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp BĐS là Công ty cổ phần Vincom (VIC) với lợi nhuận đạt 496 tỉ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất xa so với kế hoạch năm 2011 (2.293 tỉ đồng) của công ty. Ngoài ra, giá trị hàng tồn kho và bất động sản đầu tư của VIC đang cao hơn nhiều so với doanh thu.
Cạn kiệt dòng tiền và khó khăn ở phía trước
Mặc dù không có thống kê chi tiết của tất cả các doanh nghiệp BĐS đang niêm yết, tuy nhiên qua số liệu của một số “trụ cột” trong ngành cũng đã lột tả được phần nào thực trạng của lĩnh vực kinh doanh này. “Mẫu số chung” của hầu hết các doanh nghiệp BĐS là doanh thu giảm mạnh, hàng tồn kho hoặc khoản phải thu tăng mạnh. Ngoài ra, phần nhiều doanh nghiệp đang bị cạn kiệt nguồn tiền mặt; nợ vay trong cơ cấu tài sản rất lớn và vốn thực có trên giá trị mỗi dự án thấp. Những dấu hiệu cho thấy rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp bất động sản còn rất lớn.
Hiện tượng PVL và một số doanh nghiệp khác phải hạ giá bán căn hộ để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt. Làn sóng này có thể diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới khi các khoản nợ vay đến hạn phải trả. Tuy nhiên, ngay cả khi hạ giá thì việc “thanh lý hàng tồn kho” của doanh nghiệp BĐS cũng được dự báo là không dễ dàng.
Trong bối cảnh lãi suất tăng lên quá cao, nhiều ngân hàng nhỏ căng thẳng về thanh khoản, tín dụng BĐS bị buộc phải thu hồi, tương lai của thị trường nhà đất còn rất mù mịt. Không những vậy, các vụ vỡ nợ tín dụng đen với tổng số tiền lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mà phần lớn liên quan đến BĐS có thể kích hoạt cho một đợt bán tháo của những nhà đầu cơ.
Có thể nói thời kinh doanh BĐS với lợi nhuận cao rất khó lặp lại. Hiện tại, giá nhà đất tuy đã giảm khá mạnh nhưng vẫn còn rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Như vậy, dù nhu cầu thực về nhà đất còn lớn nhưng khó có thể kỳ vọng thị trường này sớm tăng giá trở lại. Điều này đồng nghĩa với khó khăn của doanh nghiệp BĐS vẫn đang ở phía trước.