Phí bảo trì chung cư là nguồn gốc của hàng loạt vụ tranh chấp tại các chung cư.
Cuối năm 2015, dư luận chấn động khi hay tin về vụ xô xát dẫn đến đổ máu giữa cư dân và một nhóm người “lạ” tại chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức). Vụ xô xát là đỉnh điểm của nhiều mâu thuẫn, trong đó có phần nguyên nhân xuất phát từ khoản phí bảo trì 2%. Theo phản ánh của cư dân, dù đã bàn giao căn hộ nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không bàn giao khoản phí bảo trì ước tính khoảng 3,8 tỷ đồng cho Ban quản trị.
Tiếp đó, vào ngày 3/1/2016, một vụ xô xát khác đã xảy ra tại chung cư Era Town (quận 7) khiến một cư dân bị thương. Nguyên nhân theo những cư dân là liên quan đến việc chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư và không bàn giao khoản phí bảo trì hàng chục tỷ đồng cho ban quản trị. Được biết, những vụ xung đột này đã diễn ra kéo dài nhiều năm kể từ khi chung cư Era Town được đưa vào sử dụng.
Trần tình về việc chưa bàn giao khoản phí bảo trì tại chung cư Era Town, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải – chủ đầu tư dự án cho biết, tất cả phải theo đúng tiến trình, khi được thông qua sẽ ngay lập tức tổ chức hội nghị nhà chung cư và bàn giao khoản phí bảo trì. “Chúng tôi không thể bàn giao khoản phí lên đến hơn 50 tỷ cho một nhóm người có mục đích cá nhân riêng, nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì ai đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng khác”, ông Lâm nói.
Tại chung cư Phú Hoàng Anh (quận 7) khoản phí bảo trì cũng trở thành đề tài nóng. Sau nhiều lần yêu cầu nhưng không được chủ đầu tư hoàn trả khoảng hơn 10 tỷ đồng phí bảo trì, Ban quản trị tại chung cư này đã phải cầu cứu đến Bí thư thành ủy Đinh La Thăng.
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng nên trả lại khoản phí bảo trì cho cư dân.
Tại buổi tọa đàm “Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư” do CafeLand tổ chức mới đây. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, có nhiều trường hợp khác nhau dẫn đến tranh chấp phí bảo trì. Chẳng hạn chủ đầu tư phá sản thì khoản tiền này coi như là mất trắng, nhiều chủ đầu tư lại cố tình nắm giữ để sử dụng cho mục đích khác, hoặc ban quản trị nắm giữ rồi làm thất thoát, hay họ có tư lợi riêng vì đây là một số tiền rất lớn.Theo ông Đực, cách tốt nhất là trả khoản phí khoản phí bảo trì 2% lại cho cư dân. Lấy ví dụ tại các dự án của công ty Đất Lành, ông Đực cho biết ngay từ đầu Đất Lành đã thống nhất là không thu khoản phí bảo trì của cư dân. Hiện nay các chung cư này vẫn đang vận hành tốt, hàng tháng cư dân chỉ đóng một lượng phí nhất định để vận hành, chăm sóc tòa nhà.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ, khi chưa có ban quản trị thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản quản lý quỹ bảo trì của cư dân. Phải công khai số tài khoản, ngân hàng để cư dân biết để có thể nộp tiền và hay tự chuyển tiền vào tài khoản. Một khi chung cư đã có Ban quản trị thì trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao lại tài khoản quỹ bảo trì cho ban quản trị quản lý.
Nói về ý kiến không nên giữ phí bảo trì mà trả lại cho cư dân, ông Khởi cho rằng như vậy sẽ gây khó khăn sau này. Việc thu khoản phí bảo trì 2% là để gây một quỹ để đảm bảo các chi phí vận hành, bảo trì chung cư. Có thể khoảng thời gian 5 năm đầu đưa vào sử dụng chưa phải sử dụng tới khoản phí này do đây là thời gian chủ đầu tư đang bảo hành, nhưng sau thời gian đó khi dư án có hư hỏng cần sửa chữa thì rất cần đến khoản phí này. Nhất là khi sửa chữa các hạng mục có kinh phí lớn thì việc thu một lúc hàng chục triệu của các cư dân là điều rất khó. “Nếu không thu ngay từ đâu thì sau này sẽ rất khó thu được khoản phí này để sửa chữa vận hành chung cư vì tâm lý của cư dân lúc này sẽ khác. Chẳng hạn nếu thang máy hư hỏng thì những hộ ở các tầng thấp hơn có thể lấy lý do không sử dụng thang máy để từ chối đóng tiền…”, ông Khởi phân tích.
Bà Nguyễn Thị Như Xuân, Giám đốc khối điều hành quản lý tài sản của Tập đoàn Novaland, cho biết, đối với khoản phí bảo trì 2% khi thu xong thì chúng tôi luôn luôn có một cái tài khoản, tài khoản đấy không phải là của Novaland mà nó là một tài khoản tách biệt, thu xong sẽ nhập vào tài khoản này gọi là quỹ bào trì. “Khi nào ban quản trị thành lập xong rồi thì chúng tôi sẽ chuyển quỹ bảo trì đó sang cho ban quản trị. Chúng tôi làm theo đúng quy định của luật pháp, tức là làm sao để cho mọi thứ phải minh bạch. Ví dụ, khi có ban quản trị thì chúng tôi sẽ có một bản báo cáo đầy đủ về các khoản thu chi và tiền lời phát sinh trong từng giai đoạn cụ thể ra sao để cho ban quản trị và cư dân nhìn thấy, và công khai”, bà Xuân nói.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....
-
Diễn biến lạ tại một doanh nghiệp bất động sản: Chủ tịch xin từ nhiệm, HĐQT không còn ai
Sau khi bán gần hết cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp bất động sản này cũng xin từ nhiệm. Đáng nói với việc lãnh đạo này rời ghế Chủ tịch, HĐQT công ty không còn thành viên nào.
-
Tái khởi động Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng tại TP.Thủ Đức
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TP.HCM, tọa lạc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.