Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và 3 tuyến tàu điện một ray.
Đây là những dự án quy mô lớn, phức tạp, đòi hỏi rất nhiều điều kiện ưu tiên; nhưng trên thực tế, Hà Nội đang phải nỗ lực vượt khó, thực hiện các dự án này mà chưa được Chính phủ chấp thuận cho một cơ chế đặc thù nào tương ứng.
Chưa vay đã... nợ
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, ĐSĐT được coi là “cứu cánh” quan trọng đưa Hà Nội ra khỏi vấn nạn UTGT nhức nhối lâu nay. Thế nhưng, trong khi áp lực giao thông gia tăng từng ngày thì tiến độ các dự án ĐSĐT lại phải tính theo năm! Khó khăn lớn nhất tạo nên nghịch lý này là Hà Nội thiếu vốn đầu tư cho các dự án ĐSĐT một cách nghiêm trọng.
Một đoạn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được hoàn thiện tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, vốn đầu tư cho các dự án ĐSĐT của Hà Nội hiện có 3 nguồn: Ngân sách dành cho đầu tư công; vốn vay ODA và nguồn xã hội hóa theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Trong khi nguồn ngân sách cực kỳ hạn chế thì nguồn ODA do Chính phủ phân bổ vẫn được coi là nguồn quan trọng nhất.
Thế nhưng, vốn vay ODA lại bị chi phối bởi trần nợ công. “Nếu theo cách tính thông thường thì Hà Nội chỉ vay tiền làm 2 dự án ĐSĐT đã hết trần nợ công” - ông Hà nói. Mới đây nhất, Chính phủ còn yêu cầu Hà Nội nhận khoản nợ từ việc đầu tư tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, như vậy đồng nghĩa với việc Hà Nội “chưa vay đã nợ”, đã sắp đạt đến giới hạn trần nợ công, không thể vay thêm để đầu tư cho các dự án ĐSĐT khác.
Trong khi đó, Hà Nội vẫn phải nộp ngân sách rồi đợi các bộ, ngành báo cáo lên Chính phủ, chờ được phân bổ trở lại nguồn vốn dành cho đầu tư công, tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ các dự án trọng điểm. Hai nguồn vốn chính khó khăn là thế, nguồn thứ ba là kêu gọi xã hội hóa, PPP lại rất khó thu hút.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ thông tin, không ít DN quan tâm đến việc hợp tác đầu tư vào các dự án ĐSĐT của Hà Nội nhưng họ vẫn chưa nhìn thấy cái lợi cho mình. Đó là do TP chưa có quỹ đất để trao đổi theo hình thức BT, lại càng không thể kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT cho ĐSĐT.
Cần có cơ chế đặc thù
Ông Tứ nhìn nhận: “Tất cả những khó khăn về vốn mà Hà Nội đang phải đối diện đều xuất phát từ việc thiếu chính sách ưu tiên phù hợp”. Đồng thời đề xuất, Chính phủ nên xem xét, nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ, chấp thuận cho Hà Nội được thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù.
Ví dụ như cho Hà Nội được ứng vốn ngân sách để thực hiện một số hạng mục của các dự án ĐSĐT cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông Thủ đô, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian, trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ thi công.
Về nguồn vốn vay ODA, phân bổ theo tỷ lệ hiện nay thì chắc chắn Hà Nội sẽ sớm kịch trần nợ công trong khi còn quá nhiều dự án ĐSĐT đang “khát” vốn. Hà Nội vẫn xác định, ngồn vốn vay ODA là nguồn chính, quan trọng nhất trong giai đoạn đầu tư trước mắt; do đó Chính phủ cần xem xét cho TP nới trần nợ công hoặc tạm thời đặt các dự án ĐSĐT ra ngoài quy định trần nợ công để tiếp tục vay và hoàn thiện dự án.
Đối với việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, hiện, các cơ quan chức năng Hà Nội đang xem xét phương án kết hợp cả 2 hình thức BT và BOT nhằm tạo điều kiện, thu hút DN. Ông đề xuất: “TP cần rà soát lại, chuẩn bị quỹ đất từ cả dự án ĐSĐT lẫn trong các khu đô thị để trao đổi với DN. Còn thiếu đâu, TP có thể cho DN thuê đất rồi trợ giá vào chi phí thuê để trừ nợ dần”.
Hiện, hệ thống nhà ga trong các dự án ĐSĐT vẫn chưa được đưa vào quy hoạch phân khu, chưa được quyết định dùng quyền khai thác để trao đổi với DN, trong khi DN rất quan tâm đến các khu vực này. Các dự án ĐSĐT của Thủ đô đang gặp vô vàn gian nan, trắc trở; đã đến lúc Chính phủ cần có sự quan tâm, "cởi trói" về chính sách để Hà Nội có thể đột phá ra khỏi thế bế tắc đã tồn tại lâu nay.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô, Hà Nội sẽ phải xây dựng 9 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 372km. Với tiến độ hiện tại thì đến năm 2020 TP chỉ hoàn thành được 20%, năm 2030 đạt 30% khối lượng đề ra.
-------------------------------------------------------------
TP cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát lại quy hoạch các tuyến ĐSĐT, đặc biệt là thiết kế các nhà ga phải đảm bảo cả tiêu chí khai thác được quỹ đất, bởi đó chính là một trong những nguồn lực để trao đổi, kêu gọi DN đầu tư.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện
-------------------------------------------------------------
Hà Nội không chỉ cần cơ chế đặc thù về tài chính mà còn cần được tạo hành lang thủ tục hành chính thông thoáng hơn nữa trong đầu tư, xây dựng ĐSĐT nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung. Hiện, khâu thủ tục của mỗi dự án giao thông lớn có thể kéo dài đến hàng năm trong khi áp lực dân số tăng từng ngày; cứ tiếp tục như vậy thì Hà Nội vĩnh viễn không thoát khỏi cảnh UTGT.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga
Minh Tường (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.