14/01/2024 1:44 PM
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Xây dựng cho biết quý cuối năm 2023, tồn kho chung cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng giảm mạnh, song phân khúc đất nền lại tăng lên.

Theo số liệu báo cáo của 53/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý 4 vào khoảng 16.315 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).

Trong đó có 2.826 căn chung cư, 5.173 căn nhà ở riêng lẻ và 8.316 sản phẩm đất nền. Như vậy có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý 4 bằng khoảng 88,42% so với quý 3/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý 3/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý 3/2023.

“Trong năm 2023, lượng tồn kho bất động sản trong các dự án đối với các phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm”, Bộ Xây dựng cho biết.

Tồn kho chung cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng giảm, song phân khúc đất nền lại tăng lên.

Về giao dịch, tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 6 tháng cuối năm 2023 tăng 13% so với 6 tháng đầu năm.

Trong đó, lượng giao dịch bất động sản nhà ở (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) trong 06 tháng cuối năm 2023 giảm 17% so với 06 tháng đầu năm 2023. Lượng giao dịch bất động sản đất nền 06 tháng cuối năm 2023 tăng 28,4% so với đầu năm 2023.

Dẫn số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023 hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn đều tăng so với năm trước.

Đáng chú ý, tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.

Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án. Cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên,…

Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân;…

Cuối cùng, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.