CafeLand - Năm 201, là năm mà nền kinh tế trong nước cũng như thế giới đối diện với nhiều thách thức.Bên cạnh việc phục hồi khá tích cực thì vấn đề nợ công khiến nhiều quốc gia chao đảo. Trong nước, lạm phát và lãi suất cao đã ảnh hưởng một cách toàn diện lên nền kinh tế và đời sống người dân. Thị trường bất động sản, chứng khoán lao dốc; giá vàng nổi sóng; sức ép tái cấu trúc nền kinh tế ngày càng lớn. Hiện tại, lạm phát chỉ còn tăng chậm nhưng lãi suất vẫn cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Kinh tế thế giới 2011: Khủng hoảng nợ công và nguy cơ suy thoái lần 2


Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 kinh tế thế giới phục hồi khá ấn tượng. Tuy nhiên, hiện tại thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Nhiều nhà kinh tế còn cho rằng thế giới có thể phải đối mặt với suy thoái lần hai và sự sụp đổ của khối đồng tiền chung Châu Âu. Hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong một vài năm tới.


Vấn đề nổi cộm của thế giới hiện nay là khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và Mỹ. Các chính sách kích cầu mạnh mẽ đã làm cho thâm hụt ngân sách của các quốc gia ngày càng lớn và khó kiểm soát. Bất đồng trong giải quyết nợ công của các nhóm chính trị ở Mỹ khiến cho S&P phải hạ mức tín nhiệm của nước này. Thị trường tài chính toàn cầu đã phải hứng chịu những “cơn sóng thần”. Hiện tại, kinh tế Mỹ đã có một vài dấu hiệu tích cực nhưng nhìn chung vẫn hết sức khó khăn.


Tại Châu Âu, vấn đề nợ công ngày càng trở nên trầm trọng. Giờ đây không chỉ những quốc gia nhỏ bé như Hy Lạp hay Ireland bị khủng hoảng mà ngay cả những gã khổng lồ như Tây Ban Nha, Ý hay Bồ Đào Nha cũng đang vật lộn với vấn đề nợ công. Sức đề kháng của khu vực này đang ngày càng cạn kiệt khi thất nghiệp và thâm hụt ngân sách đang ở mức quá cao.


Còn tại Châu Á, động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 đã làm cho quốc gia này bị thiệt hại nặng nề. Kinh tế Nhật đang từng bước phục hồi nhưng vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc tăng trưởng đang bị chững lại. Tăng trưởng GDP năm 2012 của nước này được dự báo chỉ khoảng 8% thay vì 9,4% như năm 2010.


Gần đây các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế hầu ở hết các quốc gia sẽ tăng chậm lại trong năm 2012. Giá cả hàng hóa cũng khó tăng mạnh bởi sự tăng trưởng chậm lại này. Trong tương lai không xa các nền kinh tế phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ để chống lại nguy cơ lạm phát.


Tăng trưởng kinh tế một số quốc gia và nền kinh tế (%)


Phần 1: Nhìn lại các vấn đề kinh tế vĩ mô 2011


Kinh tế Việt Nam 2011: Lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng trưởng chậm lại


Lạm phát bùng nổ vượt mọi chỉ tiêu


Năm 2011, lạm phát tăng 19,13%, lạm phát Việt Nam được mệnh danh là quán quân thế giới. Đây cũng là mức cao thứ 2 trong vòng 20 năm qua. Lạm phát cao đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế các chính sách của Chính phủ.


Mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (24,8%), Giáo dục (20,04%), Giao thông (19,04%), Nhà ở vật liệu xây dựng (17,29%). Mặt hàng duy nhất giảm giá là Bưu chính, Viễn thông (giảm 11,81%).


Nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao của Việt Nam trong năm 2011 đến từ một loạt các yếu tố như việc điều chỉnh của giá xăng dầu, điện nước và tỷ giá. Ngoài ra, còn có sự cộng hưởng của việc tăng mạnh của giá cả hàng hóa thế giới trong nửa đầu năm 2011. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ lạm phát trong năm 2011, được nhiều người cho rằng đó là do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vì lạm phát của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nền kinh tế thế giới.


Vấn đề nội tại chính là đầu tư kém hiệu quả và các chính sách tiền tệ nới lỏng thiếu kiểm soát. Năm 2011, Chính phủ đã phải nhiều lần điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát nhưng cuối cùng lạm phát thực tế vượt qua mọi chỉ tiêu. Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới hai con số. Mục tiêu này có thể đạt được nếu Chính phủ duy trì kỷ luật trong chính sách tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này là hết sức khó khăn, do vậy lạm phát của Việt Nam vẫn còn là một vấn đề nan giải.


Chỉ số giá tiêu dùng từ năm 1995 đến 2011


Nguồn: TCTK


Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.