21/11/2011 12:41 AM
Ngân hàng Nhà nước đã đưa một số loại tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, song doanh nghiệp lại cho rằng ngành kinh doanh này chưa giảm được khó khăn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản rất nhạy cảm, và là nguồn cơn cho những khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua. Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, phải làm ấm từng mảng của tảng băng bất động sản chứ không thể giải cứu vội vàng thị trường này.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa một số loại tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, và khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho vay sau một thời gian siết chặt. Nhóm bất động sản được đưa ra khỏi tín dụng phi sản xuất bao gồm: cho vay cá nhân dùng để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương; xây dựng nhà để bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng vào đầu năm tới. Đại diện một số công ty địa ốc cho rằng, thông tin này chỉ có tính tích cực cho thị trường trước về mặt tâm lý, nhất là sau một thời gian thực hiện chính sách siết chặt tín dụng bất động sản. Do đối tượng được Ngân hàng Nhà nước mở van tín dụng sẽ tác động chủ yếu đến khu vực nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc này, nên chính sách của cơ quan quản lý vẫn chưa tác động đến đúng đối tượng đang cần nhất là những dự án căn hộ trung và cao cấp.


Và quyết định này của Ngân hàng Nhà nước được cho rằng sẽ khó làm ấm thị trường bất động sản. Bởi, dù được nới lỏng điều kiện cho vay, thì người có nhu cầu vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này. Trước hết là do nhiều ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản, nhất là với ngân hàng nhỏ. Một số ngân hàng, kể cả ngân hàng nước ngoài cho biết hiện đã ngưng các khoản cho vay bất động sản và chỉ khởi động lại vào quý I.2012. Hơn nữa, với mức lãi suất cao như hiện nay thì người có nhu cầu, nhất là người thu nhập thấp sẽ không dám mạo hiểm vay vốn để mua bất động sản. Và bản thân người dân cũng đang có tâm lý chờ đợi một mặt bằng giá mới, hay nói cách khác là chờ giá giảm thêm mới mua bất động sản. Như vậy, quyết định của cơ quan quản lý có phải chỉ giúp ngân hàng dễ thực hiện yêu cầu đưa dư nợ bất động sản về mức 16% hay không?


Nhưng trong bối cảnh hiện nay, không thể lựa chọn giải pháp mạnh để tác động đến thị trường bất động sản. Nguyên nhân do thị trường bất động sản có mối quan hệ mật thiết với hệ thống ngân hàng thương mại. Với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì rõ ràng không thể thực hiện những chính sách có tác động rộng. TS Trần Du Lịch cho rằng, nước ta cần rút kinh nghiệm từ bài học của nước Mỹ là khi doanh nghiệp bất động sản phá sản đã kéo theo thị trường tài chính lao đao. Bởi vậy, không thể chỉ nhìn một mặt là thị trường này ấm lên thì các công ty xây dựng, hay ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ giảm khó khăn, giúp giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc một số ít doanh nghiệp bất động sản phá sản chỉ thể hiện sự sàng lọc gắt gao hơn của thị trường, sẽ không ảnh hưởng đến nền tài chính, cũng như phát triển kinh tế chung.


Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước đưa bốn loại bất động sản ra khỏi danh sách những hoạt động phi sản xuất là biện pháp quản lý đúng đắn. Điều này cũng giúp bảo đảm tôn chỉ trong điều hành chính sách tiền tệ đã được xác định trong đầu năm là thắt chặt linh hoạt. Cơ quan quản lý cũng chỉ ra cụ thể những đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách, không chỉ dừng ở khẩu hiệu để tác động về tinh thần cho người tiêu thụ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không thể dội nước sôi nhằm làm tan băng cho thị trường bất động sản. Cần có những biện pháp cụ thể để tảng băng được ấm từng mảng, tan từ từ. Có như vậy thì chính sách với bất động sản mới phù hợp, thậm chí là tác động đối với các giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính nói riêng, và nền kinh tế nói chung.

Theo Mạnh Quang (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.