Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho biết phương án kêu gọi khách hàng đóng đủ tiền mua nhà để chủ đầu tư dự án Đại Thành (quận Tân Phú) triển khai tiếp dự án có thể phá sản do số người tham gia quá ít. Hội đã có thông báo đến ngày 31-12, nếu đóng không đủ theo nhu cầu thi công thì toàn bộ số tiền đã đóng trước đây sẽ được hoàn trả cho khách hàng. Như vậy, giấc mơ giao nhà vào cuối quý II/2014 của dự án này lại tan vỡ.
Dự án chung cư Đại Thành đang tạm ngưng thi công - Ảnh: Ngọc Ánh
Thiếu sự đồng thuận
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho biết trong năm 2013, đã nhận 41 đơn khiếu nại về chậm giao nhà chung cư. Khi hội mời các chủ đầu tư đến hòa giải thì chỉ có Công ty Đại Thành (chủ đầu tư dự án Đại Thành) tham dự. Theo hợp đồng, dự án này giao nhà ngày 30-6-2012 và đa số khách hàng đã đóng 70%-90% giá trị căn hộ. Nhận thấy chủ đầu tư có thiện chí, khách hàng lại muốn đóng thêm tiền (100% giá trị căn hộ) để cứu vãn dự án nên hội đứng ra làm trung gian giải quyết.
Sau đó, ngày 14-9, hội nghị khách hàng đã thông qua phương án nói trên. Theo đó, tiền đóng tiếp được chuyển vào tài khoản trung gian và được đại diện 3 bên (khách hàng, chủ đầu tư, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM) kiểm soát. Khách hàng sẽ đóng 7 đợt, chủ đầu tư hoàn thành hạng mục tương ứng thì mới được nhận tiền. Theo tính toán, số tiền khách hàng sẽ đóng tiếp (khoảng 79 tỉ đồng) cùng vốn do chủ đầu tư xoay xở đủ để hoàn thiện dự án và bàn giao nhà vào ngày 30-6-2014.
“Chúng tôi không kỳ vọng 100% khách hàng sẽ đóng tiền tiếp nhưng dự liệu sẽ được khoảng 300/351 người tham gia. Tuy nhiên, đến nay mới có hơn 120 người đóng khoảng 3 tỉ đồng. Trong khi số tiền cần để chủ đầu tư hoàn thành đợt 1 phải là 10 tỉ đồng. Có gần 30 khách hàng ký cam kết nhưng lại không đóng tiền. Thậm chí, có khách hàng đi đầu trong việc xây dựng phương án nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, họ quay sang “phá” bằng cách kêu gọi mọi người chỉ đóng tiền thêm đến 95% giá trị nhà khiến nhiều khách hàng hủy cam kết” - bà Thu lý giải.
Thanh lý hợp đồng
Bà Nguyễn Thị Nhung, một thành viên của ban giám sát dự án, cho biết: “Khi phương án đang triển khai, bỗng dưng xuất hiện tin đồn Công ty Đại Thành vẫn còn tiền để thi công “ầm ầm” một dự án khác làm nhiều người bức xúc. Thấy vậy, tôi và một thành viên khác đến dự án này kiểm chứng, chụp ảnh và thực tế là chẳng có như tin đồn. Sau đó, chúng tôi đưa hình ảnh ra để chứng minh nhưng không hiệu quả. Đến nước này thì đành chấp nhận thôi!” - bà Nhung buồn rầu.
Về nguyên nhân thất bại, theo luật gia Phan Thị Việt Thu, do nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi, nếu số đông tham gia thì họ mới đóng tiếp hoặc đặt điều kiện chủ đầu tư phải tái khởi động công trình. Trong khi chủ đầu tư không có tiền để tái khởi động vì hạng mục đầu đã làm xong nhưng họ vẫn chưa được thanh toán.
Ông Ngô Triều Vân, Giám đốc Công ty Đại Thành, cho biết để xoay đủ vốn, dự định sẽ thanh lý hợp đồng đối với các khách hàng không chịu đóng tiền tiếp, trước mắt là với các căn hộ đóng dưới 70% giá trị để bán cho nhà đầu tư khác. Việc trả lại tiền sẽ khó bằng giá trị ban đầu và cũng không thể thanh toán một lần.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết giải pháp khách hàng đóng thêm tiền thất bại là do không có sự đồng thuận của khách hàng và chủ đầu tư. “Bây giờ chỉ còn cách tìm nhà đầu tư mới có đủ năng lực tài chính” - ông Đực đề xuất.
Tìm được đối tác mới Một dự án khác cũng chậm giao nhà và khách hàng đồng ý đóng thêm tiền là dự án chung cư Mỹ Phú (quận 7) của Công ty CP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú nhưng phương án này cũng bị “lên thác xuống ghềnh” vì sự dè chừng nhau của hai bên. Ông Vũ Khắc Hảo, đại diện khách mua nhà ở đây, cho biết trước đây, khách hàng đã nhiều lần đề nghị đóng thêm tiền nhưng chủ đầu tư lại làm lơ. Sau đó, nhờ có ngân hàng tham gia, các bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về tiến độ đóng tiếp tiền. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10-2013, khi chủ đầu tư gửi cam kết đóng tiền tiếp, khách hàng hết sức phẫn nộ vì cho rằng bên vi phạm hợp đồng là công ty chứ không phải họ. Vì vậy, mọi nỗ lực không mang lại hiệu quả. Sau đó, hơn 100 khách hàng của dự án tiếp tục đấu tranh và có kết quả bước đầu là tìm được đối tác mới. Theo đó, Ngân hàng Quân đội và nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) đã tái khởi động dự án. ACC thể hiện thiện chí bằng việc chi ra 40 tỉ đồng, thi công trong 2 tháng, sau đó khách hàng đóng tiền 5 lần cho đến 95% giá trị căn nhà. |