Trong một số trường hợp, cổ đông ngân hàng chưa chắc đã mất hết tiền nếu ngân hàng có nhiều tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như bất động sản.
Từ năm 1975 đến nay, ở Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại nào tuyên bố phá sản. Và cả thị trường dường như đều có chung niềm tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra. Nhưng niềm tin đó liệu có còn đúng, khi trong Thông tư 07/2013 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã xuất hiện cụm từ “phá sản”?
3 con đường cứu ngân hàng
Việc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đưa thêm cụm từ “phá sản” vào Thông tư 07 đã tạo ra bất ngờ, bởi chỉ nửa năm trước, sau sự cố Bầu Kiên, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”.
Trong lịch sử, đây cũng không phải là lần đầu Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng yếu kém. Quay ngược trở lại giai đoạn khủng hoảng ngân hàng vào những năm 1990, có khá nhiều ngân hàng thương mại đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất, mua lại đổi tên, thậm chí giải thể. Kết quả là số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 51 (năm 1997) xuống còn 39 (năm 2001). Ngược lại, cũng không ít ngân hàng được vực dậy và phát triển trở lại sau cuộc khủng hoảng như Eximbank, VP Bank hay Maritime Bank.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã mở lối cho những ngân hàng yếu kém không thể tái cấu trúc được, cho dù có sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, thì buộc phải phá sản.
Phá sản một ngân hàng thường không đơn giản. Bởi điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Vì thế, phá sản ngân hàng là lựa chọn cuối cùng, khi những nỗ lực xử lý trước đó của ngân hàng trung ương không thành công.
Bước đi đầu tiên và dễ dàng nhất là bơm tiền để các ngân hàng yếu kém duy trì hoạt động với hy vọng chúng sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém và khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Một phương pháp ưa thích của các ngân hàng trung ương là khuyến khích hoặc ép buộc các thương vụ mua bán sáp nhập. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, quan trọng nhất là tìm được một ngân hàng khác chịu ôm phần nợ của ngân hàng yếu kém. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm được một khoản tiền mặt khổng lồ.
Đây cũng chính là con đường Việt Nam đang đi, với thương vụ điển hình là Habubank sáp nhập vào SHB. Với khả năng thanh toán gần như bằng 0, vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn gần 200 tỉ đồng, Habubank được xem là gặp may khi có SHB đứng ra bảo lãnh mọi khoản nợ. Đối với Ngân hàng Nhà nước, đây là một thành công khi có thể bảo toàn được khoản tiền gửi của người dân tại Habubank trị giá 18.700 tỉ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành công với thương vụ hợp nhất đình đám giữa 3 ngân hàng ở trong tình trạng mất thanh khoản trầm trọng SCB, FicomBank và TinnghiaBank trong năm 2011. Trong cuộc hợp nhất này, Ngân hàng Nhà nước đã dùng 2 công cụ để xử lý: thứ nhất là tái cấp vốn cho ngân hàng dưới sự tài trợ vốn của BIDV và thứ hai là buộc 3 ngân hàng tự hợp nhất với nhau. “Chi phí xử lý không lớn vì tài sản và nợ hầu như không đổi, chỉ có vốn chủ sở hữu là bị mất bớt”, Tiến sĩ Giang cho biết.
Biện pháp cuối cùng để xử lý ngân hàng yếu kém chính là quốc hữu hóa. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được sử dụng khi ngân hàng đó “quá lớn để sụp đổ”, tức có quá nhiều mối liên kết chằng chịt và to lớn trong hệ thống tài chính. Đây cũng là biện pháp tốn kém nhất.
Bài học từ Thái Lan cho thấy, để có tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, ngoài việc phát hành một lượng trái phiếu khổng lồ, Thái Lan đã 2 lần vay mượn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tới 20 tỉ USD. Kết quả, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thực hiện sáp nhập và quốc hữu hóa 6 ngân hàng thương mại, 12 công ty tài chính, đồng thời đóng cửa 1 ngân hàng thương mại và 56 công ty tài chính.
Với biện pháp này, ngân hàng trung ương sẽ cử người ngồi vào ghế quản trị ngân hàng, trực tiếp điều hành và thực hiện công việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh. Sau khi đã ổn định mọi thứ, ngân hàng trung ương sẽ bán cổ phần trở lại cho tư nhân và thậm chí còn có thể thu lời để bù đắp cho chi phí tái cấu trúc.
Tiêu biểu cho phương pháp này là Tập đoàn Bảo hiểm AIG. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, AIG được Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa vì họ là đầu mối của các hợp đồng bảo hiểm phá sản tín dụng của các tổ chức tài chính trên toàn cầu, trị giá tới hơn 50.000 tỉ USD.
Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp nếu như xử lý thành công các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán bằng những con đường nói trên; nếu không, chính phủ cũng phải chấp nhận để ngân hàng phá sản. Và ở Việt Nam, với Thông tư mở đường cho việc để ngân hàng phá sản, phải chăng Ngân hàng Nhà nước đã hết chiêu để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém?
Đường nào cho Việt Nam?
Khi một ngân hàng nộp thủ tục xin phá sản, phần tiền thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: cơ quan thuế, người gửi tiền, các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, người sở hữu trái phiếu của ngân hàng, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.
Về mặt lý thuyết, các ông chủ ngân hàng sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị ABBank, trong một số trường hợp, cổ đông ngân hàng chưa chắc đã mất hết tiền nếu ngân hàng có nhiều tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như bất động sản.
Đó là chưa kể các chiêu tẩu tán tài sản của các ông chủ ngân hàng. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều ông chủ ngân hàng ở các quốc gia khủng hoảng đã tăng cường cho các đối tác nước ngoài hoặc công ty sân sau do chính họ lập ra vay. Các khoản vay này được ghi vào nợ xấu và trong trường hợp ngân hàng phá sản hay được giải cứu, chúng đều được xóa bỏ. Vào thời điểm đó, giá trị các khoản tẩu tán lên đến hàng tỉ USD.
Ở đây, có một khái niệm cần làm rõ là cụm từ “ông chủ ngân hàng”. Những lợi thế nói trên chỉ thuộc về cổ đông lớn, có thể là những người đang trực tiếp điều hành ngân hàng và nắm trước những thông tin quan trọng. Cổ đông nhỏ tất nhiên không thể có được cơ hội đó.
Câu chuyện của Habubank là một ví dụ. Chỉ khi đến Đại hội Cổ đông vào tháng 4.2012, cổ đông Habubank mới vỡ lẽ rằng sau báo cáo giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước vốn chủ sở hữu của ngân hàng mình chỉ còn hơn 195 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) năm 2011 ghi rằng, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.051 tỉ đồng.
Trở lại với vấn đề bảo vệ người gửi tiền, cổ đông lớn ở những ngân hàng yếu kém chưa kịp tẩu tán tài sản thường có xu hướng trì hoãn sự can thiệp của Nhà nước hoặc yêu cầu hỗ trợ thanh khoản, với lý do đảm bảo các khoản tiền gửi cho dân chúng. Lý do này có hoàn toàn thuyết phục?
Hãy xem xét Habubank trước khi sáp nhập. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2012 cho thấy ngân hàng này có tổng tài sản hơn 34.600 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp phá sản, giả định tài sản của Habubank được thanh lý với mức giá chiết khấu 50%, số tiền thu về đã đủ để chi trả cho người gửi tiền, mà chưa cần sử dụng đến phần bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/tài khoản.
Tất nhiên, những phân tích này đều dựa trên giả định đơn giản, bởi thực tế Habubank phá sản còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng khác, do liên quan đến các khoản tiền gửi, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng và tác động tâm lý đến thị trường. Điều đáng nói ở đây là lý do bảo đảm tiền gửi là chưa hợp lý. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra cam kết trả lại toàn bộ tiền gửi cho người dân, sau khi đã bán xong Habubank, tương tự như cách Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã làm với các ngân hàng của nước này.
Quan trọng hơn, dù có cho phá sản ngân hàng hay không thì một bài học lớn từ các nước đi trước là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các khoản ra vào của một ngân hàng đã nằm trong danh sách giám sát, thậm chí phải phong tỏa tài sản.
Ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị TienphongBank, cho rằng, ở Việt Nam khó xảy ra chuyện phá sản ngân hàng. Việt Nam vẫn sẽ tập trung giảm số lượng ngân hàng yếu kém bằng cách hợp nhất và sáp nhập, thay vì cho phá sản. Và theo ông, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, bởi các ngân hàng vẫn có tâm lý chờ đợi Nhà nước rót vốn, thay vì bán mình với giá rẻ.
Hơn nữa, không ít ông chủ ngân hàng tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một biện pháp cuối cùng trước khi cho phá sản, đó là quốc hữu hóa. Trên thực tế, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng đến biện pháp này và có lẽ không ít ông chủ ngân hàng vẫn trông chờ cơ hội được cứu vớt.
Tuy nhiên, còn một ý kiến khác cho rằng không hề có chuyện ngân hàng phá sản. Theo ông Sơn, Quỹ Đầu tư VCP, trong khoảng 150 năm trở lại đây, thế giới chưa từng có vụ phá sản ngân hàng nào.
Người ta thường cho rằng Thái Lan, trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, đã cho phá sản nhiều ngân hàng. Theo ông Sơn, bản chất sự việc không phải như vậy. Một số ngân hàng mất khả năng chi trả được sáp nhập vào các ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ. “Nói chính xác là có những ngân hàng đóng cửa và thương hiệu biến mất”, ông nói.
Tương tự như việc phá sản ở Mỹ. Giai đoạn 2008 - 2012, FDIC đã cho đóng cửa 465 tổ chức tín dụng, phần lớn có quy mô nhỏ. Các khoản tiền gửi, tiền vay, chi nhánh đều được nhập vào một ngân hàng khác và FDIC chấp nhận hứng chịu một phần lỗ.
Việc phá sản ngân hàng, vì thế, có thể sẽ không dễ nhìn thấy như việc phá sản một doanh nghiệp thông thường. Chẳng hạn, bình luận về thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng Việt Nam ở trên, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho rằng về bản chất thì 3 ngân hàng này đã phá sản, sau đó BIDV đứng ra mua lại và lập ra một ngân hàng mới.
-
Hạ lãi suất: Bao lâu và bao nhiêu?
Lãi suất thấp là nguyện vọng của nhiều DN, nhưng có thể chưa giải quyết được điều gì nếu chỉ một số ít DN có nhu cầu vay vốn.
-
Vốn ngoại cứu NH yếu kém: Trông đợi và hoài nghi
Nếu tỷ lệ đầu tư nước ngoài trong ngân hàng bị bó hẹp thì rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác tốt. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nới room cho nước ngoài sẽ giúp quá trình tái cấu trúc ngân hàng nhanh và hiệu quả hơn.