25/03/2013 8:45 AM
Lãi suất thấp là nguyện vọng của nhiều DN, nhưng có thể chưa giải quyết được điều gì nếu chỉ một số ít DN có nhu cầu vay vốn.

Chuyến công tác dài ngày tại miền Trung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do khá đơn giản là bởi, báo đài muốn truyền đi thông điệp về chính sách lãi suất từ các cuộc gặp mặt giữa Thống đốc với cộng đồng DN.

Lãi suất, câu chuyện nóng trong suốt hơn một năm qua. Dù đã được hạ đáng kể so với mức cho vay khoảng 20%/năm vào đầu năm 2012 xuống còn từ 12-15%/năm hiện nay, nhưng “tiếng kêu” từ cộng đồng doanh nghiệp chưa hề giảm. Dễ hiểu bởi đặc thù hoạt động của DN Việt là tỷ lệ vốn vay ngân hàng khá lớn, có DN gấp 3-4 lần vốn tự có, thậm chí cao hơn, nên chi phí lãi suất là một gánh nặng rất lớn. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc giảm chi phí hoạt động.

Đối thoại trực tiếp với Thống đốc, nhiều DN tại miền Trung đã nói thẳng, họ muốn lãi suất cho vay ngắn hạn xuống dưới 12%/năm và trung dài hạn dưới 14%/năm. Trả lời đề nghị này, một cam kết điều chỉnh giảm lãi suất đã được Thống đốc đưa ra. Nhưng, Thống đốc cũng không quên “lưu ý” các DN rằng, dư địa hạ lãi suất trong thời gian ngắn là rất ít.

Qua câu chuyện này, có thể thấy, có một độ vênh nhất định giữa mong muốn hạ lãi suất và khả năng đáp ứng yêu cầu này. Dư địa hạ lãi suất còn thấp, đồng nghĩa với việc, lãi suất cho vay của các ngân hàng chưa thể hạ nhanh. Và như vậy, thu hẹp “độ vênh” đó, cần thời gian. Nhưng câu hỏi đặt ra là, thời gian đó sẽ là bao lâu?

Thực tế trên thị trường, sau khi CPI tháng 3 giảm, đã xuất hiện thông tin về khả năng giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 điểm phần trăm. Nhưng đó là lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay? Lướt qua tất cả các dự báo của lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia đều chỉ thấy một sự chưa chắc chẳn kiểu: “nhanh nhất là cuối quý II”, “khoảng cuối năm 2013”,…

Và lại thêm một câu hỏi nữa là, đến những mốc thời gian đó, lãi suất thực vay sẽ còn là bao nhiêu?. Trả lời câu hỏi này là một sự không chắc chắn còn lớn hơn. Xét các gói tín dụng ưu đãi cho vay tiêu dùng mà các ngân hàng đang triển khai, thì lãi suất cho vay năm đầu tiên hầu hết ở quanh mức 11-12%/năm, các năm tiếp theo thả nổi theo công thức lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm 4%/năm. Điều này có nghĩa, bản thân các ngân hàng cũng chưa tin tưởng vào khả năng lãi suất cho vay sẽ hạ thêm một mức đáng kể trong năm nay. Dù ưu đãi khách hàng, nhưng các ngân hàng vẫn thận trọng khi đặt mức xấp xỉ 12%/năm cho tương lai một năm.

Nhưng dù như vậy, câu chuyện lãi suất sẽ không bó hẹp vào câu trả lời cho câu hỏi bao lâu và bao nhiêu? Nhìn lại lịch sử đầu những năm 2000, lãi suất cho vay chỉ bằng một nửa so với hiện nay, nhưng các ngân hàng vẫn phải tung ra rất nhiều chương trình cho vay kích cầu.

Lãi suất thấp là nguyện vọng của nhiều DN, nhưng có thể chưa giải quyết được điều gì nếu chỉ một số ít DN có nhu cầu vay vốn. Vấn đề là các DN phải nhìn thấy cơ hội đầu tư, phải bán được hàng, phải mở rộng được sản xuất… thì lãi suất thấp mới thực sự ý nghĩa. Còn khi DN vẫn đang loay hoay với hàng tồn kho, với câu hỏi làm gì và bán cho ai như hiện tại, hạ lãi suất vẫn chỉ là một câu chuyện trong nhiều câu chuyện cần xử lý mà thôi.

Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.