Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng giao ngành ngân hàng trong năm 2015 là phải xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, đưa nợ xấu về dưới 3%. Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Chủ tịch Vũ Viết Ngoạn chia sẻ với báo chí về vấn đề này.
- Năm 2014 hầu như không chứng kiến một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) nào trong hệ thống ngân hàng, nhưng đến đầu năm nay thì thông tin về hoạt động này lại dồn dập. Ông nhận định thế nào về diễn biến này?
- Tái cơ cấu là quá trình gian nan, đau khổ nhưng không còn cách nào khác. Tuy nhiên, chúng ta đã có một nền tảng cơ bản, đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 thực hiện quyết liệt, dứt khoát hơn. 2015 sẽ là một năm bùng nổ các thương vụ mua bán, sáp nhập trong hệ thống ngân hàng.
Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể xử lý câu chuyện tái cơ cấu trong nội bộ.
- Trước đây, Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại vào tái cấu trúc ngân hàng, nhưng đến nay hầu như chưa có thương vụ nào có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Ý kiến của ông ra sao?
- Tôi không kỳ vọng nhiều vào sự tham gia của dòng vốn ngoại trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thực lực của chúng ta có thể giải quyết câu chuyện này trong nội bộ, ngoại trừ việc xử lý nợ xấu có thể bàn tới thu hút vốn ngoại.
Ngân hàng Việt Nam có những đặc thù, thể chế cũng như văn hóa riêng để tìm lối đi riêng cho mình. Ngân hàng mạnh có thể giúp được ngân hàng yếu kém, lớn có thể trợ giúp đơn vị nhỏ. Đó là bài học kinh nghiệm chúng ta rút ra được trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 1990-2000. Khi đó, đã có 10 nhà băng được xử lý thông qua phương thức này, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và một số nước coi là bài học để tiến hành tái cơ cấu.
Vì vậy, không có lý do gì Việt Nam không tiếp tục thực hiện những điều đã thành công trước đây.
- Ông nói ngân hàng mạnh có thể hỗ trợ ngân hàng yếu, nhưng theo cơ chế thị trường việc các ngân hàng tự nguyện tìm đến nhau thì thế nào?
- Về mặt chính sách chúng ta vẫn cho phép các ngân hàng thời gian đầu tự tìm hiểu và sáp nhập với nhau. Nhưng nếu họ không tự tìm được đối tác thì đương nhiên phải có sự trợ giúp từ chính sách, bởi cứ đến thời điểm là phải hoàn thành kế hoạch lành mạnh hóa thị trường, hệ thống ngân hàng.
Chúng ta phải áp dụng các công cụ, biện pháp để giải quyết triệt để các tổ chức yếu kém. Các ngân hàng phải đảm bảo tiêu chí đó vì lợi ích chung của quốc gia, hệ thống. Các nước có thể cho ngân hàng phá sản, nhưng ở Việt Nam với đặc thù riêng thì sáp nhập cũng là hình thức để thay đổi, khắc phục một cách căn bản những yếu kém của các định chế tài chính không đáp ứng được yêu cầu chung.
- Theo ông, vấn đề sở hữu chéo sẽ được giải quyết ra sao khi các nhà băng sáp nhập với nhau?
- Sáp nhập chỉ giải quyết được phần nào sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, không phải là công cụ giải quyết triệt để. Xử lý sở hữu chéo thì quan tâm tới cả mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, chứ không chỉ giữa các ngân hàng với nhau.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường tài chính ngân hàng 2015?
- Năm 2015 sẽ là bước chuyển quan trọng trong tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu thị trường tài chính. Nếu giai đoạn 2013-2014 là bước đệm khắc phục những yếu kém, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ thì năm nay phải tạo ra đột phá mới để thị trường lành mạnh hơn, tạo tiền đề để năm 2016 tạo được bước chuyển mới khác biệt với tốc độ tăng trưởng khá hơn.
Nợ xấu cũng là câu chuyện được quan tâm khi Chính phủ đặt mục tiêu phải giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3%. Điều quan trọng hơn nữa là quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro phải tạo ra nền móng để các tổ chức tín dụng áp dụng theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch thông tin..
Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi dự báo nếu không sớm đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng thì nền kinh tế khó thoát khỏi nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình. Thị trường tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là nền tảng lành mạnh để nền kinh tế đi lên.