02/11/2013 7:45 AM
Trong khi các công trình quy mô lớn đang dở dang vì thiếu vốn, một số doanh nghiệp xây dựng nhận thi công cả nhà dân để có công ăn việc làm, có tiền nuôi quân.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết đã cắt giảm 30% nhân sự trong công ty. Đội ngũ hiện tại vẫn phải duy trì đủ để triển khai dự án còn dang dở, nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm vì thiếu vốn. Để nuôi quân, công ty phải nhận thêm hai công trình quy mô nhỏ, trong đó một là khu nhà trọ khoảng 50 phòng do người dân đầu tư, còn lại là trụ sở một trạm y tế phường.

Nhiều công ty xây dựng phải nhận thi công cả một số dự án trong dân hoặc công trình nhỏ lẻ từ vốn ngân sách để nuôi quân. Ảnh minh họa: Anh Quân

Ông Nguyễn Văn Kha - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Nhà Từ Liêm cũng cho biết, số lượng công việc tại đơn vị này hiện cũng giảm đáng kể so với vài năm trước, chủ yếu là triển khai nốt các dự án đang dở dang. Do đó, công ty phải nhận thêm một số công trình, dự án quy mô vừa và nhỏ có vốn đâu tư ngân sách để tạo công ăn việc làm cho người lao động.

"Dự án kiểu này cũng không nhiều, việc thanh toán có lúc chậm lại khá lâu nhưng vẫn phải túc tắc làm, gọi là thêm thắt 'đồng rau đồng dưa' cho nhân viên", ông Kha cho hay.

Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản cũng phải áp dụng cách này để đảm bảo thu nhập cho nhân công. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho biết, không ít doanh nghiệp xây dựng dân dụng hiện cũng phải lấn sân thi công cả nhà xưởng, công trình giao thông... để tăng thu nhập cho lao động.

Ông Đực cho rằng, đây là cách làm khá linh hoạt trong bối cảnh khó khăn, nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên. "Cắt giảm nhân sự không phải lúc nào cũng là cách làm tốt vì công ty không thể đóng cửa mà theo cách nay hay cách khác vẫn phải duy trì hoạt động", vị này cho hay.

Tuy nhiên, ông Đực cũng cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng nên chọn các dự án sử dụng vốn ngân sách hoặc thi công nhà xưởng. Còn đối với những dự án nhỏ lẻ trong khu dân cư thì nên hạn chế nhận triển khai. "Việc triển khai nhà dân quy mô hơi nhỏ, doanh nghiệp khó cạnh tranh với các nhóm thợ về giá thành thi công", ông Đực cho hay.

Cũng cho rằng đây là một cách làm hay và linh hoạt trong thời điểm khó khăn, tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cổ phần BIC Việt Nam cũng lưu ý, việc nhận dự án ngoài đòi hỏi sự kiểm soát nhân lực chặt chẽ hơn để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Vị này cũng nhận định, hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã bớt khó khăn, việc cắt giảm nhân sự cũng không nhiều như trước. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2014, tình hình kinh doanh mới có thể ổn định trở lại.

Ông Đực lại có phần bi quan hơn khi cho rằng, phải đến khoảng đầu năm 2015, hoạt động của đa số các công ty xây dựng, bất động sản mới có cơ hội ổn định và bước vào giai đoạn phục hồi.

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.