Gần hai tháng triển khai gắt gao các biện pháp quản lý, thị trường ngoại tệ đã có những dấu hiệu của sự bình ổn. Đây là một thành tích bước đầu của cơ quan quản lý nhằm tái lập sự quản lý chặt chẽ hơn trên thị trường này. Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là duy trì ổn định một cách dài hạn và bền vững. Sự ổn định và tích cực trên thị trường phải là một lẽ bình thường chứ không thể chỉ là một thành tích "dẹp loạn" rồi đâu lại vào đó.
Co hẹp
"Co hẹp" có lẽ là từ thích hợp nhất để nói về xu hướng trên thị trường ngoại hối mà cụ thể là USD hiện nay. Khoảng cách tỷ giá giữa ngân hàng và tự do co hẹp lại; lãi suất giảm xuống khiến cho gửi USD không còn có lãi, tình trạng găm giữ USD trong dân được hy vọng co lại. Rõ ràng nhất là trên thị trường giao dịch USD tự do thu hẹp đáng kể, các hoạt động mua bán và giao dịch bằng USD đã giảm hẳn. Một trạng thái ổn định như mong muốn bước đầu đã được tạo dựng.
Các ngân hàng cho biết, sau động thái điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm rồi, việc liên tục nâng tỷ giá liên ngân hàng đi cùng với các biện pháp siết chặt về quản lý đã khiến cho nguồn USD chảy về ngân hàng có dấu hiệu tích cực. Các ngân hàng đã mua được nhiều USD hơn và điều đáng nói là họ đã mua được USD với tỷ giá nằm trong phạm vi cho phép.
Những ngày gần đây, khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức 20.728 đồng?USD, tỷ giá mua bán tối đa cho phép là 20.395 đồng/USD nhưng các ngân hàng đã mua được USD ở mức 20.920 đồng/USD.
Đây là hiện tượng rất tích cực, hơn thế, các ngân hàng còn mua được được với khối lượng hơn nhiều hơn hẳn lúc thị trường căng thẳng. Dấu hiệu cho thấy nguồn cung USD cho ngân hàng đang trở nên dồi dào hơn và tích cực hơn cho cung cầu ngoại tệ cho nền kinh tế.
Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng lên đã khiến cho tỷ giá chính thức được đẩy lên sát với thị trường. Dấu hiệu tích cực là tỷ giá trên thị trường tự do đã dần giảm xuống và có thời điểm đã xuống thấp hơn cả tỷ giá ngân hàng.
Mức giá phổ biến trên thị trường tự do mấy ngày gần đây đã chỉ còn mua vào 20.870 đồng và bán ra 20.970 đồng/USD. Và tất nhiên trong trạng thái này, người dân sẽ chọn ngân hàng là địa chỉ bán USD. Điều này càng tạo hiệu ứng tích cực cho nguồn cung USD cho ngân hàng tăng lên.
Trước thực tế này, người ta đã nói đến vấn đề tỷ giá đã trở về với đời sống thực. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mấu chốt để đạt được điều này chính là điều chỉnh tỷ giá sát với thị trường. Đã có lúc vì nhiều lý do và có cả những lo ngại và duy ý chí cơ quan quản lý đã giữ tỷ giá ở một mức thấp hơn so với thị trường và tạo ra những bất cập kéo dài. Những bất cập đó cứ âm ỉ rồi bùng phát và buộc lại phải điều chỉnh tỷ giá. Đó là cách làm chủ quan và theo đuôi thị trường. Đợt tăng tỷ giá đã tháo được nút thắt đó khiến cho mọi việc dễ dàng hơn.
Trong khi đó, sau quyết định giảm lãi suất huy động USD xuống 3%, đi kèm với hàng loạt biện pháp siết chặt cầu USD đã khiến lợi ích từ việc nắm giữ USD giảm rõ rệt. Khoảng cách 11% lãi suất giữa gửi USD và gửi VND là điều khiến cho rất nhiều người phải suy nghĩ.
Rõ nét nhất là trên thị trường USD tự do, trong những ngày đầu khi cơ quan quản lý cùng các lực lượng quản lý thị trường và công an vào cuộc gắt gao khiến cho hoạt động tự do bị ngừng trệ thì đến nay, dù đã hoạt động trở lại nhưng thị trường đã trở nên vắng vẻ khi không còn lợi thế về giá ngoài cao hơn trong như trước đây. Hơn nữa, những quy định về giao dịch cũng đang dần khép chặt khiến cho chợ tự do dần bớt sôi động. Còn việc niêm yết và giao dịch bằng USD cũng dần được gỡ bỏ vì không mấy ai muốn vướng vào rắc rối như những vụ bị bắt vừa qua.Trong khi đó, với những cảnh báo về xu hướng về tăng cường quản lý và siết chặt ngoại tệ vẫn được đưa ra, tỷ giá được cam kết điều chỉnh sát với thị trường hơn, biện pháp kinh tế và hành chính để xóa bỏ tình trạng đô la hóa vẫn được tiếp tục... Hơn thế, một quy định tổng thể quản lý thị trường ngoại hối đang được soạn thảo càng khiến cho sự siết chặt cho nên tình thế hiện nay vẫn còn kéo dài. Vì thế, hy vọng về việc giảm găm giữ USD trong dân rất được các ngân hàng hy vọng se trở thành một xu hướng lớn.
Cơ sở cho sự ổn định dài hạn
Thực tế, đầu năm 2010, một trạng thái tích cực với nhiều dấu hiệu như hiện nay đã được thiết lập trên thị trường ngoại tệ. Khi đó, cơ quan quản lý và DN đã rất hy vọng về một giai đoạn mới ổn định dài hạn của ngoại hối. Tuy nhiên, thành tích thiết lập bình ổn đó đã đổ vỡ, thị trường ngoại tệ lại rơi vào tình trạng căng thẳng và cơ quan quản lý Nhà nước lại lúng túng với vô số biện pháp điều hành. Tuy nhiên, cuối cùng thì tháo gỡ tỷ giá đi cùng với hàng loạt biện pháp mạnh tay khác đầu năm nay mới bắt đầu lập lại được bình ổn.
Nếu như những động thái điều chỉnh tỷ giá được cho là phù hợp và mang tính thị trường cao thì không ít nhưng biện pháp còn lại vẫn mang nặng biện pháp siết chặt quản lý hành chính. Vì thế, dù đã tạo được sự ổn định bước đầu khá nhanh nhưng cũng đã gây ra những lo lắng và tâm lý khá nặng nề với không ít đối tượng trên thị trường. Trong một thị trường còn nhiều bất ổn, những biện pháp hành chính đi kèm với điều hành kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, nó thường chỉ có hiệu ứng tức thì và lại hay mang lại những bất cập về dài hạn. Chính vì thế, sau những biện pháp tạo ra sự ổn định bước đầu, người ta đang trông đợi việc tạo lập những điều kiện cho ổn định dài hạn.
Điều này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và chính cơ quan quản lý cũng không ít lần đề cập. Đó không gì khác đó là việc tạo được niềm tin của người dân vào đồng nội tệ, gia tăng nguồn cung và tạo sự thuận lợi trong giao dịch của người dân. Tuy nhiên, hiện nay đó vẫn đang là những nhiệm vụ khó khăn.
Hơn thế, tăng trưởng tốc độ cao nhưng với mô hình tăng trưởng
còn nhiều vấn đề, chất lượng tăng trưởng không cao càng khiến cho nền kinh tế đối
mặt với nhiều rủi ro và tất nhiên kéo theo đó là những hệ lụy lên đồng tiền Việt
Nam. Vì thế, ổn định vĩ mô được đặt ra trong năm 2011 được đánh giá cao nhưng
phải cần được xem là nhiệm vụ lâu dài và liên tục. Chỉ khi mục tiêu ổn định được
hiện thực hóa thì có cơ sở nghĩ đến một chính sách tiền tệ, trong đó có ngoại tệ
ổn định.
Hơn nữa, điều quan trọng để ổn định thị trường ngoại tệ
chính là phải gia tăng nguồn cung và dữ trữ của quốc gia. Các cân ngoại tệ của
Việt Nam được tính toán trên cơ sở là thặng dư trong thời gian gần đây. Tuy
nhiên từ con số tính toán tổng thể cho đến việc điều chỉnh dòng tiền trên thực
tế không hẳn đã giống nhau. Tiền có đấy nhưng tiền không nằm trong tay nhà quản
lý.
Thế mới nảy sinh ra chuyện thặng dư mà vẫn thiếu tiền. Vì
thế, cần phải tạo lập được chính sách quản lý và cơ chế phù hợp để huy động được
nguồn ngoại tệ vào kênh chính thức, tăng nguồn cung cho ngân hàng và dự trữ quốc
gia. Dài hạn hơn, phải đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, điều chỉnh tiêu dùng để
hạn chế nhập siêu, tăng xuất xuất để tích trữ ngoại tệ. Đó chính là câu chuyện
của cả một quá trình tái cơ cấu mà không dễ muốn mà có ngay được.
Bên cạnh đó, cần thực thi quản lý tốt thị trường tự do và
các giao dịch USD bằng các chính sách và sự kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, một
khi vị thế đồng nội tệ được khẳng định thì ngoại tệ tự do được cho rằng sẽ tự
co hẹp.