Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart. Ảnh: KHÁNH AN
Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2025 được công bố cuối tháng 4/2025, WB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống mức 4% so với mức dự báo tăng trưởng 5% đưa ra hồi tháng 3/2025. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao hơn so với nhiều nước ở Đông Á-Thái Bình Dương nhưng cũng giảm xuống mức 5,8% so với mức tăng trưởng 6,8% được công bố trước đó.
Củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống
Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhất là chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 8% trong năm 2025 để tạo tiền đề tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tại Công điện số 47/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đây là nhiệm vụ rất thách thức vì từ trước đến nay, mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công chưa năm nào đạt được, trong khi tổng vốn đầu tư công năm nay lên đến 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với những năm trước. Ngoài ra, quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay sẽ có những tác động nhất định đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu có thể bị suy giảm do chính sách thuế quan của Mỹ. Động lực tiêu dùng khó có thể bứt phá do thu nhập của người dân không tăng cao, làm ảnh hưởng đến sức mua. Trong bối cảnh đó, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, và việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào năng lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương.
Khi các rủi ro về pháp lý được gỡ bỏ, dự án đầu tư công được khơi thông, sẽ đem lại động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích tổng cầu. Có như vậy mới hạn chế rủi ro cho nền kinh tế khi lượng tiền lớn được đưa vào lưu thông.
Tháo bỏ điểm nghẽn thể chế
Trong báo cáo đánh giá kinh tế thường niên năm 2024 được công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kinh tế và chính trị, Việt Nam cần giải quyết đồng thời nhiều vấn đề để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài. Trong đó, tăng trưởng cao phải gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
“Trong ngắn hạn, Chính phủ buộc phải gia tăng nhanh tổng cầu để đạt mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tổng cầu trong năm 2025 cần chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định vĩ mô vào tài chính”, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần có chính sách phát triển các động lực tăng trưởng mới, gồm động lực từ khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn… Trong đó, kinh tế tư nhân phải được xác định là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là loạt chính sách nhanh chóng cắt giảm các rào cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến thể chế kinh tế, môi trường đầu tư, tạo thể chế kinh doanh bình đẳng, tôn trọng quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, với những khó khăn được tích tụ nhiều năm sau đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá ngay trong năm 2025 nhưng đây là thời điểm cần tập trung các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đối với khu vực kinh tế quan trọng này. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần một môi trường thể chế, môi trường kinh doanh ổn định lâu dài, duy trì qua các nhiệm kỳ để có thể yên tâm ra quyết định đầu tư dài hạn. Nếu chính sách thay đổi thường xuyên, liên tục sẽ không thu hút được đầu tư tư nhân.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, cải cách thể chế được xác định là “chìa khóa” để phá bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và chiến lược nhận định, nếu coi thể chế là điểm nghẽn của quá trình tăng trưởng kinh tế thì khâu tổ chức thực thi chính là nút thắt của điểm nghẽn này.
Vị chuyên gia kỳ vọng, với tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ sớm tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật về kinh tế có tác động đến tăng trưởng cả ở phía cung và cầu để thật sự tháo gỡ được khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những yêu cầu cấp bách đang đặt ra, Quốc hội có thể xem xét nhập một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như trước đây từng ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trên cơ sở nhập một số luật liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung toàn lực cho công tác xây dựng văn bản, không để xảy ra tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn quá chậm khiến luật không đi vào cuộc sống.
Đối với nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh, Tiến sĩ Đặng Đức Anh đề xuất Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để có cơ chế thực thi thật sự mạnh và hiệu quả, không để các bộ tự thực hiện như cách làm từ trước đến nay.
Thúc đẩy tăng trưởng đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam trong bối cảnh gia tăng bất ổn trên toàn cầu. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới đã chịu tác động tiêu cực thời gian qua, nhưng Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu, chủ động các giải pháp nhằm phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid-19.
-
Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điểm tựa để tăng tốc phát triển
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024. Năm 2025, Chính phủ không chỉ tập trung vào cải cách môi trường kinh doanh mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế số và công nghiệp chế biến chế tạo, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
-
Thị trường kim loại lao dốc vì sức ép vĩ mô, giá bạc rơi khỏi mốc 30 USD/ounce
Theo MXV, bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá các mặt hàng kim loại cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.
-
Công ty chứng khoán gọi tên 11 cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường bước vào tháng 11 với nhiều tin tức tích cực hơn so với tháng trước.








-
Thế chấp tài sản số, tín chỉ carbon tại ngân hàng liệu có khả thi?
Việc thiếu vắng khung pháp lý không chỉ khiến các ngân hàng e dè trong việc nhận tài sản số làm bảo đảm, mà còn gây khó khăn cho việc xác định giá trị, xử lý tài sản khi phát sinh rủi ro.
-
BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025
Mặc dù giá dầu thế giới biến động khó lường, BSR vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2025 với doanh thu gần 32.000 tỷ đồng.
-
Mỹ mời đoàn công tác Việt Nam họp: Tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết có nhiều tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện Văn phòng Thương mại Mỹ đã mời đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang họp khởi...