Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Thiên, những năm gần đây Việt Nam chúng ta luôn có nghịch lý tăng trưởng. Từ năm 2007 đến nay GDP có xu hướng giảm nhưng nếu tính dài hạn theo ba kỳ kế hoạch năm năm thì các năm sau lại luôn cao hơn năm trước đặc biệt là tăng trưởng của vốn đầu tư.
“Chính trạng thái này của nền kinh tế Việt Nam khiến cho các nhà kinh tế đưa ra nhận định chúng ta đang rơi vào tình thế đình trệ và lạm phát mặc dù GDP vẫn luôn đạt từ 5-6%/năm, và trong ngắn hạn lạm phát luôn có dấu hiệu quay lại và tiền đồ của lạm phát vẫn là rất lớn”, ông Thiên cho biết.
Vì thế, theo ông Thiên câu chuyện cho giai đoạn 2012-2015 là vừa phải thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, lạm phát quá cao, tăng trưởng sụt giảm mạnh đồng thời thực hiện đặt ra ba nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế là doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và ngân hàng.
“Tuy nhiên, khi chưa định hình được tổng thể công cuộc tái cơ cầu như thế nào, nền kinh tế đi đến đâu thì tái cấu trúc lại từng bộ phận có thể sẽ có rủi ro và dẫn đến xung đột”, ông Thiên nghi ngại.
Ông Thiên cho rằng, lúc này tính đột phá chính là tái cơ cấu hoạt động chức năng của cơ quan Nhà nước mà cụ thể là lấy lại lòng tin của xã hội với sự điều hành chính sách của Chính phủ.
“Khi xảy ra bất ổn vĩ mô mới thấy lòng tin có vai trò hết sức quan trọng”, ông Thiên nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, m ột trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trong đó kỳ vọng lãi suất chưa có cơ sở giảm xuống thấp trong năm 2012 cũng là do lòng tin của người dân chưa được phục hồi.
“Diễn biến của hệ thống ngân hàng thời gian qua cho thấy lòng tin của người dân bị dày xéo nghiêm trọng, người có tiền không sẵn sàng gửi tiền hoặc đầu tư vàng , ngoại tệ, ngân hàng có ti ền cũng không cho ngân hàng khác vay, bởi họ quá sợ hãi, sau cơn ác mộng bất động sản…”, ông Nghĩa cho biết.
Đồng tình ý kiến này, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, rủi ro bất ổn vĩ mô còn hiện hữu thì những thành tựu kinh tế đã đạt được trong năm qua là rất mong manh. Thêm vào đó Việt Nam lại bắt tay tái cấu trúc nhiều lĩnh vực, với sự chặt chẽ chính sách kinh tế thì lạm phát có khả năng giữ ở mức một con số nhưng có thể đánh đổi với tăng trưởng thấp cho dù những mục tiêu đề ra năm 2012 vẫn khá cao. Thách thức đặt ra là làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát mà không bóp nghẹt sản xuất-kinh doanh trong bối cảnh đầu tư giảm, thị trường xuất khẩu co hẹp?
“Ở đây cơ bản vẫn là nghệ thuật điều hành uyển chuyển chính sách tài chính tiền tệ, uyển chuyển về mục tiêu, cung ứng tín dụng, lĩnh vực hỗ trợ, chính sách thuế, phân bổ nguồn lực”, ông Thành nói.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, khôi phục lòng tin của người dân, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư không chỉ là cải cách hệ thống tiền lương mà còn bằng môi trường dân chủ thực chất cho họ thấy được những tình thế của nền kinh tế đất nước để họ đồng lòng với chính sách điều hành của Chính phủ./.