Diễn biến mâu thuẫn quyền lợi – trách nhiệm giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ đang ghi nhận thêm tình tiết mới. Theo đó, xuất hiện cách hành xử rất "lạ" của chủ đầu tư CLand (đơn vị thành viên của tổng Handico) đã gián tiếp đổ thêm dầu vào lửa. Chưa hết, mối lo về viễn cảnh chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì vào mục đích khác dần lên cao.

Sau hàng tá đơn thư cầu cứu cơ quan chức năng lẫn các cấp quản lý sở tại xoay quanh trách nhiệm bàn giao hồ sơ dự án, quỹ bảo trì chung cư của chủ đầu tư công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội, BQT tòa nhà đã nhận được giấy mời họp của C’Land (do PGĐ Mai Hoàng Anh ký ngày 15/11/2016).

C’Land mời BQT tòa nhà đến trụ sở công ty (156 ngõ Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) để làm việc về nội dung giao phí bảo trì và bàn giao hồ sơ, hiện trường tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ được tổ chức vào hồi 14h00’ ngày 18/11/2016.

Quá tam ba bận

Đúng thời gian và địa điểm như giấy mời, BQT nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ (gồm 4 thành viên) đã đến theo tinh thần thiện chí hợp tác. Điều bất ngờ, nhân viên của công ty thông báo lãnh đạo C’Land bận công tác không tham dự và không ủy quyền cho bất cứ nhân sự nào đại diện cho công ty để tổ chức buổi làm việc với BQT theo nội dung trong giấy mời trước đó 3 ngày.

Điều này, “một lần nữa cho thấy lãnh đạo C’Land tiếp tục thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không thiện chí hợp tác và coi thường chính văn bản (giấy mời) do mình phát ra” – Công văn số 13/2016/CV-BQT của BQT nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, việc “nói một đằng, làm một nẻo” của C’Land đã từng có tiền lệ. Lần thứ nhất: trong cuộc họp với cư dân cùng Ban đại diện nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ ngày 10/6/2016, lãnh đạo C’Land đã cam kết rất nhiều vấn đề, nhưng lại không ký vào biên bản cuộc họp, đồng thời cũng không thực hiện các nội dung đã cam kết tại cuộc họp. Lần thứ 2: Lãnh đạo C’Land đã phủ nhận chính những cam kết của mình trong biên bản cuộc họp ngày 26/8/2016 đã ký với BQT tòa nhà…

Sau khi bị chủ đầu tư “cho leo cây”, BQT tòa nhà đã lập tức gửi công văn phản đối việc lãnh đạo C’Land đơn phương hủy cuộc họp ngày 18/11 mà không báo trước cho BQT. Đồng thời, BQT đề nghị chủ đầu tư có trách nhiệm hơn nữa với những cam kết, nghĩa vụ của mình trong việc giải quyết các quyền lợi hợp pháp của cư dân.

CLand buộc phải câu giờ để chế biến hồ sơ?

Những bài học nhãn tiền

Với diễn tiến qua hàng loạt hồ sơ tài liệu cũng như thực tế các buổi làm việc giữa BQT với chủ đầu tư, có thể nhận ra trạng thái “câu giờ” của C’Land trong việc bàn giao hồ sơ – quỹ bảo trì theo quy định hiện hành cũng như chính cam kết của DN đối với cư dân.

Từ việc quỹ bảo trì hiện đang được gửi tại ngân hàng nào, quản lý ra sao, tới dấu hỏi vì sao chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ dự án cho BQT (dù dự án đã hoàn công và đi vào hoạt động nhiều tháng nay), đã khiến dư luận nhớ lại không ít “hình mẫu” về chiếm dụng quỹ bảo trì trong quá khứ gần.

Luật Nhà ở sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015 với rất nhiều quy định mới nhằm hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp, chiếm dụng Quỹ bảo trì (QBT) chung cư.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vùng trống mà dường như Luật chưa thể phủ đến. Nhiều người còn chưa quên hành trình hơn 6 năm ròng rã đòi quỹ bảo trì (nhưng chưa có kết quả) từ chủ đầu tư của BQT chung cư Sunrise Building – D11, số 90 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy).

Được biết, công ty CP Xây dựng số 3 (HANCO3) là chủ đầu tư chung cư D11 (khởi công năm 2006 và đưa vào sử dụng năm 2009). Hầu hết hợp đồng mua bán căn hộ tại đây được ký sau ngày 1/7/2006 – tức thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 đã chính thức có hiệu lực.

Với tổng số 121 căn hộ và hơn 2.600m2 sàn thương mại, quỹ bảo trì chung cư D11 ước tính vượt 5 tỷ đồng. Nhưng bằng việc “đánh tráo khái niệm” giữa giá trị căn hộ và lợi nhuận kinh doanh, HANCO3 đã chiếm dụng hàng tỷ đồng của cư dân.

Đến tháng 5/2013 (gần 4 năm sau khi công trình đi vào sử dụng), HANCO3 mới có công văn gửi BQT tòa nhà, thông báo: “Số tiền 2% dùng để bảo trì cho tòa nhà D11 – Công ty CP Xây dựng số 3 đã trích từ nguồn lợi nhuận kinh doanh dự án D11 là: 3.247.135.673 đồng”… Từ một DN nhà nước, sau khi HANCO3 được cổ phần hóa thì việc bàn giao QBT vẫn “bỏ ngỏ”.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA, từng nhận định: “Với 2% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ, phí bảo trì chung cư một dự án trung bình cũng thu được cả chục tỷ đồng. Đối với những chung cư cao cấp, quỹ bảo trì có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng…”.

Một câu chuyện cười ra nước mắt khác diễn ra tại N05 Trung Hòa. BQT đã được thành lập theo quy định pháp luật, biết rõ phí bảo trì đang nằm tại BIDV chi nhánh Từ Liêm, nhưng 5 năm nay, cư dân cụm chung cư N05 Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) vẫn đau đáu hành trình đòi phí bảo trì.

Về phần mình, chủ đầu tư Vinaconex chỉ thông báo khoản tiền bảo trì đang được ngân hàng BIDV Từ Liêm quản lý. Nhẩm nhanh, chỉ cần gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất 6 – 7%/năm, số tiền 76 tỷ đồng (ước tính từ BQT) đã mang lại cho chủ đầu tư khoản tiền lãi chừng 5 tỷ đồng mỗi năm (!)

Trở lại với chủ đầu tư C’Land, việc chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì khiến nhiều người dự cảm chẳng lành về khoản tiền hàng tỷ đồng lẽ ra phải được minh bạch thu chi, quản lý bởi BQT tòa nhà.

Ngoài ra, căn cứ nội tình sự việc, cư dân đang nghi ngại hồ sơ pháp lý – hồ sơ hoàn công dự án gặp vấn đề (nên chủ đầu tư mới chây ì bàn giao). Liệu, những hạng mục như PCCC, điện nước, thang máy đã được nghiệm thu theo đúng quy định pháp luật trước khi công trình được đưa vào hoạt động vài năm nay?

Có hay không khả năng vì sợ “hở sườn” các vi phạm trong đầu tư, triển khai dự án nên C’Land buộc phải câu giờ để… chế biến hồ sơ?

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.