Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2019 ước tính đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, bằng 2,2% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 16 nghìn tỷ đồng, bằng 1,4%; thu từ dầu thô 1,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 7%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 549 tỷ đồng, bằng 0,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1.102 tỷ đồng, bằng 0,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng 1,2%; thu thuế thu nhập cá nhân 1,7 nghìn tỷ đồng, bằng 1,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 105 tỷ đồng, bằng 0,2%; thu tiền sử dụng đất 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng Một ước tính đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,2%; chi đầu tư phát triển 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 0,7%; chi trả nợ lãi 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7%.
Như vậy, mới qua nửa tháng đầu năm 2019, bội chi ngân sách đã lên tới gần 14 nghìn tỷ đồng. Con số này là cao nếu so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua.
Cụ thể, Quốc hội thông qua mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tương đương mức bội chi cả năm 2019 là 222.000 tỷ đồng. Nghĩa là bội chi ngân sách mỗi tháng chỉ được rơi vào khoảng 18-19 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, mới trải qua nửa tháng 1/2019, con số bội chi đã xấp xỉ bằng con số bội chi ngân sách cả tháng Quốc hội thông qua.
Nổi bật lên trong con số chi ngân sách, cho thấy chi thường xuyên vẫn ở mức cao, đạt 3,2% năm. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển lại vẫn tiếp tục rất thấp, chỉ bằng 0,7% dự toán năm.
Tại nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương; có biện pháp tích cực để giảm bội chi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ nhằm bảo đảm không vượt quá giới hạn về trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.
-
Trung Quốc dẫn đầu vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đầu năm 2019
CafeLand - Trong số liệu công bố mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, Trung Quốc dẫn đầu 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2019, với số vốn đăng ký 221,6 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.