Ông Trần Bắc Hà làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 1981 với nhiều cương vị. Ông chính thức trở thành lãnh đạo quyền lực nhất tại ngân hàng này từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQT và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV.
Trong suốt 35 năm làm việc, ông Hà đã giúp BIDV gặt hái không ít thành công. Cho đến nay, BIDV là một trong bốn ngân hàng mạnh của hệ thống, vẫn đang là ngân hàng duy nhất được chỉ định mở tài khoản thanh toán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, ông Hà cũng là người đưa thương hiệu BIDV xuất hiện tại Lào, Campuchia, Myanmar và Cộng hòa Czech.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của BIDV cũng cho thấy ngân hàng này đang nắm cổ phần lớn của 11 công ty con. Theo đó BIDV đang nắm 100% vốn của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC); Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI); Công ty TNHH BIDV Quốc tế (IIDC) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (công ty con của IIDC). Ngoài ra BIDV cũng nắm giữ 88,12% Công ty cổ phần chứng khoán BIDV (BSV).
BIDV cũng đang sở hữu cổ phần lớn của nhiều ngân hàng như Ngân hàng đầu tư phát triển Campuchia (BIDC – tỷ lệ nắm 98,5% cổ phần); Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LVB – tỷ lệ nắm giữ 65%).
Xét về công sức và dấu ấn, nhìn lại quá trình phát triển của BIDV, không thể phủ nhận ông Hà đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngân hàng này. Tuy nhiên, BIDV dưới thời của ông Hà cũng có nhiều “nốt trầm”.
Những khoản nợ xấu
Tính đến thời điểm 1/9/2016, khi ông Trần Bắc Hà rời nhiệm sở, BIDV đang ôm khoản nợ xấu 13.183 tỉ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015, chiếm hơn 2% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Trong đó có khoản nợ “khủng” liên quan đến các doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Nếu tính cả khoản cho vay tín dụng đơn thuần và phát hành trái phiếu thì Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ BIDV tới 10.500 tỉ đồng tính đến cuối tháng 4/2016. Ở thời điểm này, tình hình tài chính của HAGL gặp nhiều khó khăn khi thua lỗ triền miên, buộc Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc thông qua phương án tái cơ cấu nợ cho công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của BIDV, vốn chủ sở hữu của nhà băng này tính đến cuối năm đạt 42.335 tỉ đồng. Khoản tín dụng mà BIDV dành cho HAGL tương đương 25% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế BIDV không chỉ rót vốn trực tiếp cho công ty mẹ HAGL, mà còn dành cho các công ty con của tập đoàn này ở Lào và Campuchia.
Ngoài ra, BIDV còn cho vay nhiều doanh nghiệp, dự án lớn gây ra nợ xấu lớn hàng nghìn tỉ đồng. BIDV đã phải rao bán tài sản, xử lý thu hồi nợ gốc và lãi vay hơn 2.278 tỉ đồng của Công ty cổ phần Thuận Thảo (Sài Gòn)…
Liên quan đến vụ án Ngân hàng Xây dựng, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông Trần Bắc Hà đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty của Phạm Công Danh. Những sai phạm này được đánh giá là "rất nghiêm trọng”.
Trang trại bỏ hoang của Công ty Bình Hà tại Hà Tĩnh. Ảnh: A.C
Ngoài ra, một dự án nghìn tỉ ở Hà Tĩnh được cho là có trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà khi BIDV cho vay tiền triển khai dự án. Trước thời điểm ông Hà nghỉ hưu 1 năm, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh ký hợp đồng tín dụng lên tới trên 2.000 tỉ đồng cho dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà.
Dự án này được triển khai vào tháng 4/2015 và dự kiến đi vào kinh doanh từ năm 2017. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, dự án không hiệu quả, đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Được biết, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng cho dự án này và có nguy cơ mất trắng vì trong trường hợp dự án đổ bể, việc thanh toán nợ cho ngân hàng là bài toán không hề đơn giản.
Loạt dự án nghìn tỉ đồng
Một trong những khối tài sản “khủng” tại Bình Định được người dân nhắc đến nhiều nhất của gia đình ông Trần Bắc Hà là khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn - một resort 4 sao sở hữu bãi biển riêng kéo dài hơn 500m, tọa lạc tại số 01 đường Hàn Mặc Tử, TP. Quy Nhơn, Bình Định.
Sở hữu vị trí đất vàng, dự án này có giá thị trường khoảng 100 triệu đồng/m2. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Resort Hoàng Gia Quy Nhơn hiện có giá hàng nghìn tỉ đồng.
Trước đây, Resort Hoàng Gia Quy Nhơn thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn. Công ty này được cấp phép hoạt động từ tháng 10/2009, do bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) là người đại diện pháp luật. Đến cuối năm 2017, danh tính bà Lan bất ngờ được thay thế bằng một cá nhân khác là Ngô Thị Kim Oanh.
Trước đó, giai đoạn 2015-2016, Công ty cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn liên tục bị cơ quan chức năng Bình Định xử lý sai phạm liên quan đến việc xây dựng công trình không phép. Cuối năm 2015, Thanh tra sở xây dựng Bình Định từng xử phạt 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp này, vì xây hạng mục công trình cải tạo, sửa chữa nâng tầng Bar Royal Club không có giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp chấp hành nộp phạt và dừng thi công. Đến tháng 12/2016, địa phương lại phát hiện doanh nghiệp này tiếp tục xây công trình không phép khác ở khu vực này.
Một dự án khác có liên quan đến gia đình ông Trần Bắc Hà là Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng trên diện tích đất gần 10.840m2 với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng.
Phối cảnh khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng có mức đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng
Dự án Thiên Hưng tọa lạc ở vị trí “đất vàng”, thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía tây đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn. Đây là khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn, với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, trong đó 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, ngoài ra còn có trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí.
Theo cam kết, dự án sẽ được triển khai vào cuối 2017 và dự kiến hoàn thành vào cuối 2020. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng trời, chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Công ty cổ phần tập đoàn An Phú và một doanh nghiệp khác thực hiện dự án. Tháng 7/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này với lý do chủ đầu tư không triển khai đúng như cam kết.
Được biết, Công ty Thiên Hưng thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ chỉ 50 tỉ đồng, sau tăng lên 300 tỉ đồng, do bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) làm người đại diện pháp luật. Công ty cổ phần tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỉ đồng, do ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.
-
Bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch BIDV
CafeLand - Ngày 29/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt lệnh bắt tạm giam với đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).