CafeLand - Bất động sản 2020 ít có khả năng xảy ra “bong bóng”; Những chính sách mới có hiệu lực từ năm 2020; Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở đâu đắt hơn; Nhiều biệt thự ở TP.HCM biến mất trên giấy... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Bất động sản 2020 ít có khả năng xảy ra “bong bóng”

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2019 phát triển tương đối ổn định kể cả về nguồn cung, số lượng giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”. Tuy nhiên theo bộ này, có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín và giá cả phù hợp.

Những chính sách mới có hiệu lực từ năm 2020

Thị trường bất động sản vừa bước vào năm 2020 với nhiều chính sách liên quan đến đất đai và xây dựng chính thức có hiệu lực. Những người trong ngành dự báo thị trường ít nhiều sẽ bị tác động khi áp dụng khung bảng giá đất mới ở các tỉnh thành, xử phạt hành chính trong vi phạm đất đai, quy định về xây dựng tầng tum, tầng lửng,…

Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 05/01/2020. Nghị định này tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, điển hình như: - Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỉ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây.

Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở đâu đắt hơn?

Hà Nội và TPHCM là hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước. Trong năm 2019, hai thị trường này có những diễn biến đáng chú ý với nhiều điểm khác biệt.

Không chỉ đất ở, phân khúc căn hộ ở hai thị trường này cũng có sự khác biệt. Anh Trung, một người nhà đầu tư gốc Hà Nội đang sinh sống tại TP.HCM, cho biết giá chung cư tại TP.HCM tăng khá nhanh so với sản phẩm cùng loại ở Hà Nội. Mặt bằng giá này một phần bị tác động bởi những dự án hạng sang được đưa ra thị trường thời gian qua. Mức giá cao kỷ lục của những dự án này đã góp phần nâng mặt bằng giá căn hộ ở TP.HCM lên một mức mới.

Bình Dương áp dụng đơn giá bồi thường mới khi thu hồi đất từ ngày 01/01/2020

Ngày 22/12/2019, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng đã ký ban hành Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, ban hành đơn giá bồi thường với nhà phố, nhà liền kề, nhà riêng lẻ (không phải biệt thự) như sau: - Nhà 1 tầng; khung bê tông cốt thép; mái bê tông cốt thép hoặc lợp ngói; tường xây gạch; có trần là 5.265.000 đồng/m2.

- Nhà 1 tầng; khung bê tông cốt thép; mái lợp tôn; tường xây gạch; có trần là 4.330.000 đồng/m2.

Nhiều biệt thự ở TP HCM biến mất... trên giấy!

UBND quận 1 và quận 3 (TP HCM) vừa có báo cáo gửi Viện Nghiên cứu phát triển TP về hiện trạng các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. Trong đó, cả hai địa phương đề xuất nhiều căn biệt thự cần loại ra khỏi danh sách diện cần bảo tồn.

Báo cáo mới nhất của UBND quận 1 cho thấy tại địa phương có 230 căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975, có những căn hơn 100 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Tuy nhiên, qua rà soát nhận thấy một số trường hợp không còn là biệt thự, một số công trình đã xây dựng nhà mới hoặc tách chủ quyền. Từ đó, quận 1 thông báo thời gian tới sẽ loại 109 căn biệt thự, gồm 49 căn không phải là biệt thự hoặc có nguồn gốc là nhà biệt thự nhưng nay không còn; 60 căn đã xây dựng công trình mới.

Đà Nẵng thu hút 691 triệu USD vốn ngoại trong năm 2019

Đà Nẵng có 132 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 438 triệu USD. Dù giảm về số dự án so với cùng kỳ song tổng vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó có 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 117 triệu USD và 210 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn hơn 135 triệu USD..

Năm 2020, ngành xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng từ 9 – 10%

Mục tiêu này được đại diện của Bộ Xây dựng đưa ra tại buổi họp báo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng diễn ra sáng 2/1. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2019, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt 9 - 9,2%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018.

Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 50 triệu m2 sàn; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn, đạt kế hoạch và tăng 3 triệu tấn so với năm 2018; sản lượng gạch xây đạt 26 tỷ viên (quy tiêu chuẩn) đạt kế hoạch và tương đương so với năm 2018.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.