Điều gì đáng quan tâm sau những biến động này? Cơn "co giật" của giá thép đang phơi bày nhiều điều thú vị.
Bản chất của khan hiếm giả tạo
Giá thép bắt đầu lên cơn sốt từ tháng 3 khi ở mức dưới 12 triệu đồng/tấn vọt lên 15,5 - 15,7 triệu đồng/tấn vào trung tuần tháng 4. Thị trường xuất hiện tình trạng "khan" hàng, phân phối "nhỏ giọt". Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép giải thích nguyên nhân là do giá phôi thế giới lên 600 USD/tấn (tăng gần 100 USD/tấn), tỷ giá ngoại tệ, xăng dầu, điện nước... đều tăng khiến giá thành sản xuất đội lên.
Bản chất của tình trạng khan hiếm liệu có phải như vậy? Trên thực tế, tại thời điểm tháng 3, thị trường quốc tế có thông tin giá thép sẽ tăng cao do quặng sắt tăng giá 40% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo giá phôi nhảy lên 630 USD/tấn. Trong nước, có thông tin Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp giảm nhập siêu bằng cách hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có sắt thép xây dựng... Từ đây, nhiều đại lý lớn dự đoán giá thép sẽ tăng cao nên đua nhau lấy hàng với số lượng lớn nhằm đầu cơ chờ giá lên. DN sản xuất thép cũng chớp cơ hội đẩy giá, tạo khan hiếm, khiến thép tăng giá liên tục. Hơn 30 cơ sở sản xuất thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) "góp tay" vào cuộc.
Việc tăng giá thép đã để lại những hệ lụy không nhỏ: Xã hội oằn lưng gánh những chi phí không đáng có, để lợi ích rơi vào một nhóm các nhà sản xuất, kinh doanh thép. Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính và các chuyên gia nhận định: Thép tăng giá "đón đầu" giá phôi, khiến các dự án, công trình bị "đội giá" theo, làm ngân sách nhà nước phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ.
Phản ứng ngược
Tuy nhiên, sang tháng 5, giá thép nhanh chóng đảo chiều. Giá bị đẩy lên quá cao chỉ trong một thời gian ngắn khiến thị trường phản ứng ngược. Người tiêu dùng quay lưng, nhiều công trình xây dựng lớn tính toán lại chi phí giá thành nên thi công chậm tiến độ, thậm chí tạm ngưng... Trong khi đó, giá nhiều loại vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu giảm nhiệt và nguồn cung tăng lên, cộng với việc Nhà nước tiếp tục giữ ổn định các mặt hàng trọng yếu như giá điện, giá than, giá xăng dầu trong nước.
Vì vậy, tháng 6 dù theo quy luật là mùa xây dựng, nhu cầu vật liệu gia tăng, nhưng giá thép vẫn tiếp tục trong cảnh nguội lạnh. VSA liên tục nhận được thông báo giảm giá của các đơn vị hội viên, bình quân từ 200.000 đến 500.000 đồng/tấn. Mới đây, các công ty thép đồng loạt tuyên bố tiếp tục hạ giá do sức tiêu thụ chậm.
VSA cho biết, thép tồn kho của các DN hiện rất lớn, riêng thép thành phẩm tồn khoảng 371.000 tấn, phôi thép còn khoảng 560.000 tấn. Vừa lo cạnh tranh đẩy hàng tồn, các DN ngành thép còn méo mặt lo đối phó với thép ngoại. Theo VSA, hiện đã có 120.000 tấn thép xây dựng, chủ yếu là thép cuộn từ các nước ASEAN nhập khẩu vào nước ta với mức giá 15,2 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép sản xuất trong nước 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Như vậy, cạnh tranh lẫn nhau chưa xong, nhà sản xuất còn phải đối mặt với thép ngoại giá luôn rẻ hơn thép trong nước, dù chịu nhiều chi phí hơn. Chưa hết, hiện các tỉnh phía Nam bắt đầu vào mùa mưa (mùa thấp điểm trong xây dựng) và giá phôi thép trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm... nên sắp tới, nhiều khả năng giá thép khó tăng, thị trường kinh doanh thép có màu sắc... u ám hơn.
Ngành thép được "nuông chiều" thái quá
Trong đợt biến động này, nhiều đại lý thép lớn đã lỗ hàng tỷ đồng, còn những cửa hàng nhỏ lẻ cũng lỗ hàng trăm triệu đồng. Không ít đại lý ôm hàng giá cao đang phải tìm cách cắt lỗ. Một số DN sản xuất thép cho biết, với giá bán hiện nay họ đang lỗ khoảng trên 1 triệu đồng/tấn. Như vậy, "cây gậy" mà các DN, đại lý thép "chơi" người tiêu dùng đã trở chứng: Họ làm ngơ, hùa nhau đẩy giá lên; sức mua giảm mạnh, họ buộc phải giảm để giải phóng hàng, cũng như trả nợ vay ngân hàng với lãi suất cao...
Ngành thép đang phải trả giá cho chính hành động của mình. Đây là hậu quả có thể biết trước.
Những đợt giảm giá mạnh tay sau khi liên tục tăng giá đồng loạt, dồn dập chỉ trong khoảng thời gian ngắn khiến những người quan tâm đặt ra dấu hỏi: Thị trường thép đã bị đầu cơ, thao túng đến mức nào? Sự liên kết tăng giá giữa các đơn vị sản xuất thép được tổ chức ra sao?
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đặc điểm lớn nhất của thị trường thép là thiếu ổn định. Giá thép nóng lạnh như cơm bữa. Ngành sản xuất này đang đứng đầu về số lượng kiến nghị - hầu hết là... đề nghị tháo gỡ - gửi đến các cơ quan quản lý. Cũng chưa có ngành nào được các cơ quan chức năng thay đổi chính sách (thuế, xuất nhập khẩu...) để theo kịp những biến động của thị trường nhiều như đã làm với ngành thép.
Trong khi đó, các nhà sản xuất hầu như chỉ chăm chăm vào quyền lợi của mình mà quên mất trách nhiệm bình ổn giá. VSA cũng hầu như không có động thái nào trước việc thép tăng giá, ngoại trừ một vài cảnh báo chẳng khác vẩy vài giọt nước vào "lò luyện thép"... đang đỏ lửa. Và đáng buồn là mỗi khi bị sức ép từ thép nhập khẩu, VSA lại gửi hàng loạt kiến nghị tới Chính phủ, "xin" dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế hoặc cấm nhập thép.
Ngành thép đang được "nuông chiều" quá đáng, hậu quả là các DN ngành chỉ tạo tâm lý bất ổn trên thị trường và khi có thể là chộp ngay cơ hội để thao túng, đầu cơ.
Cần luật chống đầu cơ
Tuy nhiên, không chỉ có ngành thép, tình trạng đầu cơ, tích trữ liên tục gây ra những cơn sốt lớn, nhỏ trên thị trường ở nhiều lĩnh vực từ sắt thép, xi măng, phân bón, gạo, thuốc chữa bệnh, đến chứng khoán, vàng, USD, bất động sản… Từ ngày xóa bỏ bao cấp năm 1989 đến nay mới lại thấy trong xã hội có tâm lý phòng thủ, trữ hàng như hiện nay.
Mỗi nhà, tùy theo túi tiền và nhu cầu, đều cố gắng tích trữ gạo, sữa, thuốc... với hy vọng mong manh có thể tránh được ít nhiều cơn sốt tăng giá chực chờ bùng nổ. Nguy hiểm hơn, quy mô đầu cơ đang trở nên phổ biến trong DN, kể cả một số DN nhà nước tham gia vào khâu phân phối như: gạo, xi măng...
Tình trạng đầu cơ hiện nay là sự nối tiếp và mở rộng xu thế chạy theo lợi ích ngắn hạn và thiếu nỗ lực cần thiết trên những lĩnh vực căn bản của nền kinh tế, làm mất ổn định thị trường và gây tâm lý hoang mang. Đây là một thách thức lớn cho những cố gắng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Hiện quy định về chống đầu cơ đã có ở một số văn bản luật như: Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá… nhưng nhìn chung còn khá rời rạc. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 107/2008/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính các hành vi này nhưng mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải có một đạo luật về chống đầu cơ như nhiều nước khác. Nhưng như vậy cũng chưa đủ, điều quan trọng là cần minh bạch hóa thông tin và nhất quán chính sách. Mặt khác, ngay cả khi được ban hành, luật chống đầu cơ cũng khó khả thi nếu hiệu lực thi hành luật pháp thấp... như hiện nay.