Thang máy chung cư tái định cư G9 Xuân Đỉnh bị hỏng, cửa thang không đóng được, tạo thành những chiếc bẫy sâu hút - Ảnh: Đức Hiếu
“Bao nhiêu khoản chi đã phải bấu vào nguồn thu ít ỏi là tiền kinh doanh dịch vụ tầng 1, nên duy trì việc sửa chữa chung cư rất khó khăn. Giải pháp bây giờ là phải tổ chức hội nghị bầu ban quản trị tòa nhà, huy động nguồn tiền của người dân vào việc quản lý vận hành, sửa chữa chung cư Ông Bùi Quốc Dũng |
Thang máy hỏng, nền nhà sụt lún, vỡ nát, hệ thống thoát nước hỏng... là thực trạng xuống cấp đáng báo động tại nhiều khu chung cư tái định cư ở TP Hà Nội.
Theo những hộ dân sống tại các khu chung cư tái định cư, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, nhiều hạng mục, thiết bị đã hư hỏng nặng.
Hỏng hóc triền miên
Đã mấy tháng nay, thang máy chung cư G9 Xuân Đỉnh (P.Xuân Tảo, Q.Bắc Từ Liêm) hết lần này đến lần khác hỏng hóc. Chung cư có 3 tòa nhà với 6 thang máy, mà 5 trong số đó đã hỏng. Hiện chỉ còn một thang máy sử dụng cho khoảng 120 hộ dân với trên 400 nhân khẩu.
"Từ khi thang máy hỏng, người già, trẻ nhỏ phải đi lên đi xuống thang bộ rất mệt. Tôi bị bệnh tim, không đi nổi nên chọn cách đi thang máy của tòa nhà giữa rồi đi vòng qua mái chung cư để về nhà, dẫu biết đi như vậy là nguy hiểm" - ông Bùi Văn Nam, người dân ở tầng 8, tòa nhà số 3 chung cư G9, cho biết.
Người dân chung cư G9 Xuân Đỉnh phải đi trên mái nhà vì thang máy hỏng - Ảnh: Đức Hiếu
Tường nhà khu chung cư Thành phố giao lưu (Q.Bắc Từ Liêm) bị ẩm mốc - Ảnh: Đức Hiếu
Ông Nguyễn Năng Ngọc, trưởng ban quản trị lâm thời khu nhà G9, cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị quản lý là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội), chính quyền phường và thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa.
Tại khu tái định cư Thành phố giao lưu (P.Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm), bà Nguyễn Thị Điểm, đại diện khu nhà CT1A, cho biết: "Ở đây nhà nào cũng bị hở đường nước, mốc tường, nền nhà và hành lang bị bung gạch, vỡ nát. Thậm chí có khi ống nước vỡ ra, nước chảy vào khiến thang máy bị hỏng. Chúng tôi làm đơn kiến nghị năm lần bảy lượt mà chẳng có đơn vị nào để ý đến".
Trong nhà bà Điểm, nền phòng tắm bị bung thủng lỗ chỗ, chân tường nổi mốc vì bị ngấm nước. Đây là tình trạng chung ở hầu hết căn hộ trong chung cư này.
Nhà ông Phạm Văn Hoan tại khu tái định cư Đồng Tàu (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) sụt lún, vỡ nát gạch - Ảnh: Chí Tuệ
Nỗi lo thường trực
Khu chung cư Đồng Tàu (P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) đưa vào sử dụng năm 2007, gồm các tòa nhà đánh số thứ tự từ N1 đến N10. Bà Cao Thị Lan, dân sống ở tầng 4 tòa nhà N3, kể thang máy ở đây bị hỏng thường xuyên và nhiều căn hộ bị sụt lún, nền nhà bong tróc.
"Nhà nước đã sửa một lần, mà giờ tòa nhà tiếp tục xuống cấp, sụt lún. Sống ở đây chúng tôi lo lắm" - bà Lan kêu.
Cách tòa nhà bà Lan hơn trăm bước chân là tòa nhà N6. Nhiều tháng nay, sự cố sụt lún tòa nhà khiến đường ống nước thải bị đứt gãy, mặt sau tòa nhà đọng nước và chất thải vệ sinh từ bể phốt tràn ra, bốc mùi nặng.
Trần nhà chung cư N4 bị bong tróc, lộ cả đường ống nước - Ảnh: Đức Hiếu
Chất thải tràn ra lênh láng phía sau nhà N6 khu tái định cư Đồng Tàu - Ảnh: Đức Hiếu
Ông Phan Hữu Dũng, đại diện ban quản trị tòa nhà N6, cho biết hiện khu để xe lún rất nặng, có thể sập bất cứ lúc nào. Ông Dũng đã báo tình trạng này cho đơn vị quản lý chung cư, nhưng không hi vọng sẽ được xử lý.
Chung cư xuống cấp trầm trọng nên lo lắng, bất an là tâm trạng thường trực của người dân nơi đây. Còn nhớ tháng 8-2016, sau một tiếng động lớn giữa đêm, cả một mảng sàn rộng hơn 20m2 của tòa nhà N5 sập xuống, nát vụn, gây hư hỏng hệ thống điện, nước bên dưới...
Gần đây, tối 24-12-2017, tại tầng 1 tòa nhà này, gia đình ông Phạm Văn Hoan phải một phen đứng tim khi nền nhà đột ngột sụt xuống sau tiếng nổ lớn. Sau sự cố này, gia đình ông Hoan phải đi thuê chỗ khác ở vì lo sợ...
Sự cố tụt lún nền nhà gia đình ông Phạm Văn Hoan - Ảnh: Chí Tuệ
Công ty nhà ở than khó, Sở Xây dựng TP im lặng Ông Bùi Quốc Dũng - phó phòng quản lý nhà xã hội tái định cư Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - cho biết công ty chỉ tiếp nhận, bàn giao quỹ nhà tái định cư cho người dân nên không kiểm soát chất lượng xây dựng. Đến nay, nhiều hạng mục của các chung cư bị xuống cấp, hư hỏng, dù đã khắc phục nhưng vẫn tiếp tục xuống cấp. "Trước tháng 6-2013, ngân sách TP chi sửa chữa chung cư tái định cư. Sau thời điểm đó, UBND TP yêu cầu không dùng tiền ngân sách, mà dùng số tiền nằm trong 2% quỹ bảo trì chung cư để sửa. Tòa nhà nào có ban quản trị thì chúng tôi bàn giao quỹ này, chưa có ban quản trị thì khi dùng tiền chúng tôi phải lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, do các hộ dân không đồng ý dùng quỹ này nên chúng tôi không có nguồn nào khác để sửa chữa chung cư" - ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định mức hỗ trợ người dân sửa chữa 6 hạng mục nhà chung cư bằng tiền kinh doanh dịch vụ tầng 1. Tuy vậy, đến nay TP Hà Nội chưa có quy chế cụ thể để áp dụng vào thực tiễn, nên việc sửa chữa chung cư tái định cư hiện đang rất chậm. Công ty phải linh hoạt sử dụng khoản thu này để bảo trì các hạng mục hư hỏng. Để làm rõ thực trạng chất lượng các công trình chung cư tái định cư và giải pháp cho các chung cư xuống cấp nặng, phóng viên đã nhiều lần liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội trong hơn nửa tháng qua. Tuy nhiên, đến nay sở chưa có hồi đáp. |