Suốt gần hai năm qua, hàng ngàn hộ dân của 5 khu dân cư cao cấp Rạch Bà Tánh (do Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc làm chủ đầu tư), thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) luôn phải sống trong cảnh không giống ai trên thế giới này: Dè sẻn đến từng… hơi thở!

Hàng trăm hộ dân tại khu dân cư Rạch Bà Tánh, dù xây nhà tiền tỉ, rất đẹp, nhưng luôn trong cảnh khốn khổ vì mùi hôi.

Bỏ tiền tỉ “mua”… mùi hôi

Tiếp tôi ngay tại căn nhà vừa mới xây tại khu dân cư Rạch Bà Tánh, chị Ngô Thiên Kim - chủ nhà E8 - đau khổ kể: “Trước đây nhà tôi ở bên Xóm Củi, quận 8. Do trong nội thành chật hẹp, muốn tìm một nơi ở rộng rãi hơn, nên cả gia đình tôi gom góp hết tiền bạc, bán nhà ở Xóm Củi, sang đây mua đất xây nhà mới hết 5 tỉ đồng. Lúc đầu, thấy khu này không xa quận 8 bao nhiêu, không gian thoáng đãng, hạ tầng được Cty Đại Phúc đầu tư rất tốt, lại kề sát khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng nên gia đình tôi rất mãn nguyện. Ai dè, từ giữa năm 2012 đã xuất hiện mùi hôi ô nhiễm môi trường toàn bộ khu vực này. Cả gia đình tôi luôn sống trong cảnh căng thẳng, lo lắng vô cùng cho sức khỏe, mà không biết kêu cứu với ai ”.

Bà Ngô Thị Trúc Linh - chủ nhà S39 - tiếp lời: “Mùi hôi tai quái ấy không từ một ai, bất kể thời gian, chẳng hề giới hạn không gian, khu vực nào cả. Thường vào lúc khoảng 2-3 giờ sáng, mùi hôi lại bốc lên và lan tỏa ra khắp ngoài đường, vào sân nhà, nó len lỏi lan tràn mọi ngóc ngách trong nhà, từ phòng khách, phòng ngủ cho đến nhà vệ sinh...”.

Không chỉ cư dân khu dân cư Rạch Bà Tánh khốn khổ vì mùi hôi, hàng chục hộ dân tại khu dân cư Văn Lang (do Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Văn Lang làm chủ đầu tư) cũng bị mùi hôi “tấn công”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền - chủ nhà F.17 - mô tả: “Cái mùi hôi ấy có khi như mùi phân chuồng. Nhưng lúc không có gió thoảng, nó lởn vởn, âm ỷ trong không khí, lúc đó nó lại có mùi khăm khắm như mùi nhà cầu, khi xe hút gầm cầu làm vệ sinh hầm cầu vậy”.

Bà Lê Thị Khánh Vân - khu dân cư Văn Lang - nói: “Con người ta ai cũng có cái quyền được hít thở không khí; thế mà, với chúng tôi ở đây, hàng ngàn hộ dân luôn sống trong tình cảnh... hít thở cũng không dám hít sâu, thở cho đã nữa, mà chỉ thở một cách... dè sẻn, sợ thở nhiều sẽ... chết sớm”.

Tại khu dân cư 6B (do Cty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà TPHCM làm chủ đầu tư), có không ít hộ dân vì mùi hôi mà buộc phải đưa con cái di tản, trong khi nhà mình bỏ không, cửa đóng then cài. Một số kêu bán nhà, nhưng hôi quá nên chẳng ai mua. Anh Kiều Xuân Sơn - đại diện Cty Đại Phúc - cũng khổ sở không kém người dân: “Chủ đầu tư chúng tôi cũng hết sức khốn khổ vì mùi hôi tai quái này. Phần lớn đất nền đã được bán hết cho khách hàng, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa dám xây dựng, vì mùi hôi. Họ yêu cầu, áp lực chủ đầu tư phải giải quyết hết mùi hôi. Tuy nhiên, điều này vượt tầm tay của chúng tôi...”.

Chủ nhà Ngô Thiên Kim: “Gia đình tôi đã tốn trên 5 tỉ đồng mới có căn nhà này, vậy mà phải ngửi mùi hôi”.

Thủ phạm là “công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản”

Cách nay một năm, hàng trăm hộ dân thuộc 5 khu dân cư (Rạch Bà Tánh, Intresco 6B, Văn Lang, T30 và khu dân cư Bình Hưng), cùng với các chủ đầu tư hạ tầng như các Cty: Đại Phúc, Intresco, Văn Lang, Cty cổ phần phát triển hạ tầng Sài Gòn... đã gửi vô số đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng về hiện tượng Nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) Bình Hưng phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường không khí cho các khu dân cư.

NMXLNT Bình Hưng do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM quản lý, trung tâm này giao Cty TNHH MTV thoát nước đô thị vận hành. NMXLNT Bình Hưng được đầu tư hơn 100 triệu USD, là NMXLNT lớn nhất TPHCM và cả nước, nhằm xử lý nước thải sinh hoạt được thu gom từ các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10.

Tháng 6.2009, NMXLNT Bình Hưng đi vào hoạt động, với trách nhiệm thu gom nước thải trên diện tích 825ha, tương đương dân số 425.000 người, công suất nhà máy trong giai đoạn 1 là 141.000m3/ngày... và được ca ngợi là nhà máy có công nghệ XLNT tiên tiến nhất của Nhật Bản, sẽ giúp giải quyết được nước thải sinh hoạt cho... một nửa khu vực nội thành TPHCM.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây, một nhà máy đầu tư căn cơ với số tiền lớn như vậy, công nghệ hiện đại như vậy, sao giờ đây lại trở thành nỗi kinh hoàng với hàng ngàn hộ dân, đến nỗi người dân phải luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, dè sẻn từng nhịp thở? Ông Lý Thọ Đắc - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV thoát nước đô thị - trả lời: “Bùn thải phát sinh từ quá trình xử lý nước được tập trung tại khu nhà lên men sơ cấp. Ở đây, bùn được đảo trộn và thông gió tự nhiên. Sau khoảng 15 ngày, bùn mới được đưa qua khu lên men thứ cấp ủ chín và đảo trộn bằng xe xúc, trước khi chuyển đi chôn lấp ở nơi khác. Do phương pháp xử lý bùn theo công nghệ ủ hiếu khí, các nhà lên men không phải là kho dạng “kín” mà là dạng “hở”, dẫn đến mùi hôi phát sinh không thể tránh khỏi”.

Thủ phạm” gây ra mùi hôi là đây - Nhà máy XLNT Bình Hưng. Ảnh: C.

Khắc phục mùi hôi, chỉ làm phần ngọn?

Suốt một năm qua, NMXLNT Bình Hưng đã có những cố gắng trong việc khắc phục mùi hôi như: Sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu mùi, tăng thời gian lưu trữ bùn tại nhà lên men sơ cấp, không đảo trộn mà cho phun xịt hóa chất, che bạt chắn gió, tăng cường vận chuyển bùn ra bãi đổ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh... Thậm chí, UBND TPHCM đã bổ sung kinh phí 13 tỉ đồng để NMXLNT Bình Hưng tăng cường giải pháp khắc phục mùi hôi. Tuy nhiên, sau vài tháng bớt hôi phần nào, thì từ cuối tháng 6.2013 trở lại nay, NMXLNT Bình Hưng tiếp tục... là “trung tâm phát tán mùi hôi” đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, tại một văn bản gửi UBND TPHCM - cũng cho biết: “Mỗi ngày, nhà máy xử lý khoảng 130.000m3 nước thải, cho ra 35 tấn bùn thải... Đầu tháng 6.2012, ngành tài nguyên môi trường đã lấy mẫu khí phân tích, cho thấy chỉ tiêu H2S vượt quy định, chỉ tiêu Cr+6 trong mẫu bùn cũng vượt quy chuẩn...”. Điều này đã gây lo ngại cho không ít hộ dân. Tuy nhiên đến nay, cách nào để khắc phục, chấm dứt triệt để mùi hôi thì các đơn vị quản lý, vận hành NMXLNT Bình Hưng vẫn còn... như gà mắc tóc.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Chuyển ô nhiễm từ dạng nước sang dạng bùn quả là oái oăm. Công nghệ xử lý bùn dạng “hở” là quá lạc hậu, quá xưa cũ, chỉ sử dụng ở những nơi xa khu dân cư. Với trường hợp NMXLNT Bình Hưng, tôi cho rằng cần phải thay đổi công nghệ xử lý may ra mới chấm dứt mùi hôi đang ảnh hưởng tới người dân”.

Đồng quan điểm với Giáo sư Bá, ông Lưu Văn Tấn - Trưởng phòng quản lý nước thải thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM - cho rằng, vấn đề bây giờ là phải nâng cấp công nghệ xử lý “hở” bùn thải hiện nay (vừa gây mùi hôi, lại vừa tốn đất để chôn lấp) bằng cách sử dụng công nghệ “kín”, theo phương pháp sử dụng bùn thải ra để thu khí mêtan, tạo nhiệt để đốt luôn bùn tại chỗ, vừa làm khô, lại tránh được mùi hôi. Song, rất nhiều người cho rằng, để đầu tư vào công nghệ mới này đòi hỏi phải rất nhiều tiền của. Cho nên, với hàng ngàn hộ dân sinh sống xung quanh NMXLNT Bình Hưng, sẽ còn phải đối mặt dài dài với thảm trạng... dè sẻn từng nhịp thở!

Tranh nhau quyền… sản xuất phân! Trong khi mùi hôi từ NMXLNT Bình Hưng đang từng ngày, từng giờ gây ô nhiễm trầm trọng môi trường, đảo lộn cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hộ dân, thì các đơn vị liên quan chỉ chăm chăm giành cho mình cái quyền sản xuất phân. Vào đầu tháng 7.2013, Cty Sài Gòn Xanh xin phép UBND TPHCM cho sản xuất thử nghiệm phân từ bùn thải NMXLNT Bình Hưng.

Song, phía Cty TNHH MTV thoát nước đô thị lại không đồng tình, cho rằng nhà máy được đầu tư với các thiết bị đặc chủng, nếu cho sản xuất phân trong khuôn viên nhà máy sẽ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến nhà máy (?). Cty thoát nước đô thị nói rằng, Cty đã có đề tài khoa học “sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn thải...”, đề nghị UBND TPHCM cho Cty này được xử lý toàn bộ lượng bùn thải (phát sinh khoảng 40 tấn/ngày) từ nhà máy, sau khi đưa về bãi chứa bùn Đa Phước...
Cao Hùng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.