25/11/2011 12:52 AM
Động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng tín dụng cho một số lãnh vực bất động sản vừa qua chưa tạo được chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản, và nhiều doanh nghiệp địa ốc dự báo thị trường sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012.

Nới lỏng tín dụng, địa ốc vẫn bi quanThống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong lần trả lời phỏng vấn trên TTXVN gần đây, cho biết hoạt động tiền tệ của ngân hàng trong năm tới cũng phải rất chặt chẽ nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ có cách nhìn đầy đủ hơn về nhóm phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.


Ông Bình cho rằng thị trường bất động sản cũng rất quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhưng phải kiểm soát để thị trường hoạt động nhằm tránh tình hình bong bóng trên thị trường, vì nếu thị trường đóng băng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do vậy, van tín dụng đang dần được tháo ra và sẽ tiếp tục trong năm tới.


Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng không quá hồ hởi với thông tin trên vì họ cho rằng độ mở van tín dụng quá hẹp, và vì chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ được tiếp tục trong năm 2012. Điều này đồng nghĩa khó khăn sẽ chất chồng thêm trong thời gian tới.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho rằng động thái nới lỏng tín dụng vừa qua của NHNN chỉ mang tính chất tinh thần là chính, góp phần khôi phục lòng tin trên thị trường bất động sản.


Thực tế, việc nới lỏng không tác động lên thị trường vì những người có thể vay sẽ không dám vay khi lãi suất đang cao ngất ngưởng; và gần như chẳng có dự án nào đáp ứng tiêu chuẩn sẽ hoàn thành trước 1-1-2012. Các doanh nghiệp lý giải rằng nếu một dự án chỉ còn hơn một tháng nữa là hoàn thành thì thời điểm này phải đang ở công đoạn quét dọn căn hộ để bàn giao cho người mua, và không cần đến khoản vay nào nữa.


Theo ông Châu, việc chỉ cho vay những người có khả năng chi trả từ tiền lương vô hình trung loại ra khỏi thị trường những người kinh doanh tự do, buôn bán nhỏ - những người có thu nhập đôi khi còn ổn định hơn những người mua hưởng lương từ các doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng tín dụng là một yếu tố, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thị trường không có tính thanh khoản.


“Có thể ngân hàng sẽ nới lỏng cho vay nhưng sẽ không nhiều, và cho dù ngân hàng có mở van tín dụng thì bất động sản cũng ‘chết’ vì sản phẩm không có người mua,” ông Đực nhận định.


Ông Đực cho rằng thị trường hiện nay dư thừa những sản phẩm không phù hợp với sức mua, nghĩa là những sản phẩm có giá trị quá cao vượt quá khả năng chi trả của người mua. Đó cũng là một phần lỗi của doanh nghiệp phát triển địa ốc khi đầu tư không đúng nhu cầu của thị trường.


Theo ông Đực, việc nới lỏng tín dụng nên kéo dài hết năm 2012, hoặc tập trung vào những doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng được hơn 60-70% khối lượng công trình, hoặc cho vay những dự án có giá bán từ một tỉ đồng/căn trở xuống để có thể mở ra một mảng thị trường nào đó.


Ông Châu đề nghị NHNN nên có chính sách cho người mua căn hộ đầu tiên có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cũng như có lộ trình giảm lãi suất xuống vì đây là rào cản lớn nhất trên thị trường vì không ai có thể vay để mua nhà dưới sức ép của lãi suất như hiện nay.


Bình luận về xu hướng giảm giá căn hộ hiện nay, ông Châu cho rằng giảm giá hay không tùy thuộc vào tính thanh khoản của dự án. Năm 2011 là năm khó khăn nhất kể từ năm 2008 khi nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép về tính thanh khoản của sản phẩm, nghĩa là không bán được căn hộ trong khi bị áp lực trả lãi vay ngân hàng, phải hoàn thiện công trình để giao nhà cho khách hàng và phải xoay xở vận hành doanh nghiệp.


Tuy nhiên, những khó khăn trên thị trường đang đưa giá bất động sản trở về mức hợp lý hơn, có lợi cho người mua nhà để ở cũng như là cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.


Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, ông Châu cho rằng năm 2012 sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ. Do vây, các doanh nhgiệp địa ốc sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn rất lớn, buộc họ phải tìm cho mình hướng đi, thậm chí bán lỗ dự án để tồn tại và chờ cơ hội kinh doanh khác.

Theo Đinh Dũng (KTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.