Những tưởng thị trường bất động sản sẽ không còn lối thoát khi mà nguồn tín dụng cho thị trường này đã bị thít chặt nhiều tháng qua thì giới đầu tư bỗng nhận được thông điệp từ phía Ngân hàng Nhà nước rằng sẽ nới lỏng tín dụng đối với 4 nhóm bất động sản. Mới nghe qua, có vẻ gọng kìm siết thị trường này đã mở, song trên thực tế, theo nhận định của các chuyên gia, sức ép từ phía ngân hàng mới là vấn đề cần lưu tâm.

Mở van tín dụng thị trường bất động sản


Các chuyên gia đều cho rằng, với việc nới lỏng 4 nhóm tín dụng phi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã giúp cho thị trường bất động sản (BĐS) dễ thở hơn. Bởi, suốt một thời gian dài trầm lắng, và khi không thể "chịu đựng” hơn được nữa, nhiều nhà đầu tư đã phải tìm cách bán tháo. Tiên phong cho cuộc bán tháo trên thị trường này phải kể đến dự án Petro Vietnam Landmark - TP Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) công bố sẽ giảm giá gần 30%, từ hơn 21 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu/m2. Tiếp đó là 500 căn hộ của dự án An Tiến của Công ty Sài Gòn Mekong được bán ra với mức giá 14,5 triệu đồng/m2, giảm tới 35% so với giá ban đầu là 18 triệu đồng/m2. Tại Hà Nội, nhiều khu chung cư khác cũng giảm giá từ 10-20 triệu đồng/m2. Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 35.000 căn hộ trung, cao cấp tồn đọng trên địa bàn Hà Nội.


Tuy nhiên, với thông điệp của Công văn 8844 do Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi trung tuần tháng 11, có thể nói, nút thắt nguồn vốn cho thị trường này đã được nới lỏng. Song, đối tượng được nới lỏng lại không như kỳ vọng của giới đầu tư, hay nói cách khác, "cánh cửa” tín dụng đã mở nhưng lại quá hẹp khi NHNN chỉ "mở” cho một nhóm đối tượng nhất định. Nói như GS – TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, thông điệp về nới rộng tín dụng trên có thể tốt hơn cho thị trường BĐS nhưng lại rất dè dặt, đối tượng nới ra cũng không nhiều.


Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, trên thực tế, các ngân hàng đang phải chịu sức ép "chạy nước rút” đưa dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống 16% vào thời điểm 31-12 năm nay. Bởi vậy, đây dường như là một thông điệp nhằm giải tỏa mối lo cho hệ thống các ngân hàng khi mà chỉ còn hơn một tháng nữa là đã đến hạn nói trên. Bởi trên thực tế, nội dung của Công văn 8844 đã chấm dứt những tranh luận lâu nay về việc phân loại đâu là tín dụng BĐS phi sản xuất, đâu là tín dụng sản xuất.


Tác dụng không nhiều


Nhưng nếu nhìn rộng hơn, phân tích kỹ hơn một chút thì, những dự án nếu chỉ còn 1 tháng nữa là đã bàn giao (1-1-2012) thì họ cũng đã có đủ nguồn vốn cần gì phải tìm đến nguồn vốn ngân hàng nữa. "Bởi vậy, những dự án có kế hoạch giao nhà cho khách hàng từ nay đến cuối năm 2012, hoặc các dự án đã hoàn thành được 50 - 70% khối lượng mới là các dự án thực sự cần nguồn vốn” – một nhà đầu tư nhận định. Bởi vậy, việc nới lỏng tín dụng trong BĐS của NHNN tác dụng không nhiều.


Ngoài ra, theo TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc nới lỏng tín dụng BĐS ở thời điểm hiện nay không còn sớm nữa. Bởi nếu tiếp tục thắt chặt thì thị trường này sẽ không còn sức để chịu đựng thêm được nữa.


Do vậy, có thể thấy, việc nới lỏng tín dụng phi sản xuất trong phạm vi rất hẹp nói trên của NHNN hầu như chỉ cứu nguy cho hệ thống ngân hàng khi thời điểm phải chốt hạn dư nợ tín dụng phi sản xuất ở mức 16% đã đến quá gần, chứ không có tác dụng nhiều đối với thị trường BĐS.


Tuy nhiên, nói gì thì nói, ít nhiều nó cũng đang giúp cho các doanh nghiệp BĐS giảm đi một phần gánh nặng. Nói như ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội khi trả lời báo giới: "Các dự án BĐS vốn đã ngốn rất nhiều nguồn vốn của ngân hàng, vì vậy dù chỉ hé mở cánh cửa thôi đã là nỗ lực lớn của Chính phủ rồi, còn nếu mở toang cánh cửa thì mọi nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ đổ xuống sông xuống bể”.


Và theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS phải cần ít nhất là nửa năm nữa, nghĩa là giữa năm 2012, mới có thể thấy được tác động của Công văn này thế nào. Do vậy, giới đầu tư vẫn có thể hy vọng bức tranh của thị trường này sẽ xóa dần những gam màu ảm đạm.

Theo Duy Chung (Đại Doàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland