Sau gần 10 năm triển khai xây dựng, khu đô thị mới Văn Phú đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Thế nhưng, quyền lợi của người nông dân bị thu hồi đất vẫn bị treo lơ lửng vô thời hạn do việc giải quyết tắc trách của UBND quận Hà Đông.
Khu đô thị mới Văn Phú đã được đưa vào sử dụng nhưng quyền lợi của người nông dân vẫn bị treo
Hơn nửa thập kỷ đợi hỗ trợ
Năm 2007, người dân thôn Văn Phú, xã Văn Khê (nay là phường Phú La) bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp để giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị mới Văn Phú. Tính đến thời điểm này, sau gần 10 năm xây dựng, các doanh nghiệp được giao đất để xây dựng nhà ở để bán đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và giao nhà cho người mua để sử dụng. Một khu đô thị hoành tráng đã thay thế cho một vùng đất mà trước đây người dân chỉ biết trồng một năm hai vụ lúa.
Sự thay đổi toàn diện trên là kết quả của sự phát triển đô thị, mang lại nhiều lợi ích và làm thay đổi đời sống của người nông dân trước đây. Song, với một số hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới thì niềm vui không thấy, chỉ thấy họ phải mang đơn đi khiếu nại nhiều năm nay mà vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, đến thời điểm này, chưa thấy có một tín hiệu nào cho thấy, UBND quận Hà Đông quan tâm giải quyết khiếu nại của người dân.
Đó là "bi kịch" của bà Vũ Thị Hân và Đào Thị Hoa, hai nông dân ở tổ Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông. Năm 2007, hai hộ dân này bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (khoảng 750m2 mỗi hộ). Việc bồi thường thiệt hại cho người nông dân bị thu hồi đất cơ bản đã được UBND quận Hà Đông thực hiện xong và các hộ dân trên cũng đã được bồi thường đầy đủ. Nhưng, riêng chế độ hỗ trợ người dân bị thu hồi đất bằng việc giao đất ở (người dân gọi là đất dịch vụ) cho các nhân khẩu bị thu hồi đất thi hai hộ dân này không được giải quyết.
Căn nguyên của sự việc không phức tạp mà chính là do cách giải quyết thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Lẽ ra, hộ gia đình bà Vũ Thị Hân và Đào Thị Hoa cũng được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ "đất dịch vụ" như các hộ gia đình khác. Thế nhưng, khi UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú La duyệt danh sách các hộ dân được hưởng hỗ trợ về đất ở thì phát sinh khiếu nại cho rằng, bà Vũ Thị Hân và Đào Thị Hoa là "gái ở làng đã đi lấy chồng" nên không được giao đất đầy đủ, chỉ được giao một nửa đất nông nghiệp. Do đó, một số người làm đơn tố cáo cho rằng, hộ gia đình bà Hân và bà Hoa không được hưởng "đất dịch vụ" như các hộ gia đình khác.
Với tố cáo này, quyền lợi của hộ gia đình bà Vũ Thị Hân và bà Đào Thị Hoa ngay lập tức bị treo lại. Trong khi các hộ gia đình khác đã được duyệt diện tích đất ở theo chính sách hỗ trợ một suất đất cho mỗi nhân khẩu bị thu hồi đât (khoảng 23m2/nhân khẩu) thì hai gia đình trên chỉ biết là phải... đợi.
Quận, Phường chuyền nhau trách nhiệm, dân tiếp tục dài cổ... đợi
Sau nhiều năm kiên nhẫn đợi xem xét, hai hộ gia đình này không còn cách nào khác là phải "đội đơn" đi kêu cứu, đề nghị UBND quận Hà Đông xem xét giải quyết chế độ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Thế nhưng, đơn của hai hộ dân này "có đi mà không có về". Hàng chục lần gửi đơn rồi đến nơi tiếp công dân của UBND quận để yêu cầu giải quyết nhưng cái họ nhận được là con số không.
Theo bà Vũ Thị Hân, nhiều lần bà lên UBND phường để hỏi thì đều được trả lời là chưa được giải quyết, phải đợi. Bên cạnh đó, các cá nhân có trách nhiệm trả lời bà Hân đều viện dân văn bản số 200/TB-UBND ngày 21/4/2010 của UBND quận Hà Đông về việc giải quyết tố cáo của công dân. Theo đó, người tố cáo cho rằng, năm 2003, HTX nông nghiệp Văn Phú giao đất cho bà Hân và bà Hoa là không đúng nên không xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ cho hai hộ này.
Nhưng, trách nhiệm giải quyết chế độ, chính sách cho người nông dân bị thu hồi đất không thuộc về UBND phường Phú La mà thuộc trách nhiệm của UBND quận Hà Đông, kể cả việc giải quyết khiếu nại của người dân bị sự tắc trách của cơ quan này xâm phạm quyền lợi. Vì thế, những người nông dân này hàng tháng vẫn phải "đeo bám" UBND quận Hà Đông.
Mãi đến ngày 27/8/2014, sự "may mắn" mới đến với hai nữ nông dân này khi UBND quận Hà Đông có phiếu tiếp dân gửi hai hộ dân có khiếu nại. Nhưng, trong văn bản này, UBND quận Hà Đông lại "chuyển trách nhiệm" cho UBND phường Phú La "rà soát và trả lời công dân".
Ngày 10/9/2014,UBND phường Phú La đã có văn bản trả lời khai hộ gia đình trên bằng việc viện dẫn lại văn bản số 200/TB-UBND của UBND quận Hà Đông và khẳng định, việc bà Hân và bà Hoa đề nghị giao đất dịch vụ theo tiêu chuẩn 100% đất nông nghiệp bị thu hồi là "chưa giải quyết được". Với thông báo này, quyền lợi của hai hộ nông dân này bị "án treo"... vô thời hạn.
Sự chuyển trách nhiệm lòng vòng như trên là việc làm vô cùng tắc trách của UBND quận Hà Đông. Theo Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt thì UBND quận Hà Đông phải xem xét giải quyết chế độ hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, không phải là trách nhiệm của UBND phường Phú La. Việc "đá bóng" cho cấp dưới để né trách nhiệm là không thể chấp nhận được. Do đó, Chủ tịch UBND quận Hà Đông phải chấm dứt việc làm thiếu trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, nội dung giải quyết chế độ hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất của UBDN quận Hà Đông cũng trái pháp luật. Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 69/2009/NĐ-CP thì người dân bị thu hồi đất nông nghiệp từ 70% trở lên được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng đất ở thì trường hợp các hộ gia đình trên bị thu hồi toàn bộ đất đã được giao thì được hưởng chế độ hỗ trợ đất ở bằng khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Với quy định của pháp luật như trên, việc UBND quận Hà Đông không giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất là vi phạm pháp luật, tiếp đến lại không giải quyết khiếu nại của người dân mà chuyển cho cấp dưới giải quyết lại càng sai nghiêm trọng hơn. Với sự tắc trách này, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ bị treo đến bao giờ?
Bình Minh (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.