Đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã đi được 1/3 quãng đường nhưng mới giải ngân được 5,6%, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 3.365 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 1.700 tỷ đồng. Với sự chậm trễ này, đã có lần chuyên gia lên tiếng “đòi” Bộ Xây dựng trả lại gói hỗ trợ này để dùng vào việc khác hiệu quả hơn.
Có mời thêm ngân hàng cũng chẳng thiết tha
Nhìn nhận kết quả thực hiện gói hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014 song vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Cùng với đó, thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.
Các chủ đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giấy phép xây dựng, báo cáo tài chính không đáp ứng điều kiện để được vay vốn. Một số tiêu chí do ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng, do đó khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được.
Người dân vẫn khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lãi suất
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, thực hiện gói tín dụng chưa được 1 năm và tỷ lệ cam kết hơn 10% nhưng hiện nay tiến độ giải ngân còn chậm và nó phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Các doanh nghiệp không đủ hàng mà bán; tốc độ cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ chậm; chậm thực hiện ban hành quy định người mua được thế chấp chính căn hộ mình mua để vay vốn, phải chứng minh được khả năng trả nợ.
Thực tế, lãi suất thấp cùng với những điều kiện vay thắt chặt nên phía ngân hàng cũng không thực sự quan tâm.
Theo thống kê, Ngân hàng BIDV đang đứng đầu danh sách cho vay gói tín dụng này với cam kết là 1.729,4 tỷ đồng, dư nợ 773,7 tỷ đồng. Vietinbank chỉ đạt cam kết là 886 tỷ đồng, dư nợ 475 tỷ đồng; Vietcombank cam kết là 385 tỷ đồng, dư nợ 241 tỷ đồng; Agribank cam kết là 306 tỷ đồng, dư nợ 183 tỷ đồng; MBH dư nợ chỉ đạt 26,5 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV thừa nhận việc tham gia giải ngân gói tín dụng này chỉ vì cộng đồng, chính sách chung chứ không hề được lợi. Bây giờ đưa ra giải pháp mời thêm một số ngân hàng cùng giải ngân gói này, theo tôi họ chưa chắc đã tham gia”, ông Tú nói.
Nới một loạt điều kiện
Ông Nguyễn Hữu Cường, đại diện CLB BĐS cho rằng, gói 30.000 tỷ nằm trong tầm nhìn của cơ quan quản lý từ 2020-2030, không nên chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân chậm mà còn phải nhìn vào sự đóng góp cho nền kinh tế.
Theo ông Cường, gói 30.000 tỷ chỉ là một trong những công cụ quản lý nhà nước thông qua chính sách nhưng có tác dụng to lớn tới kinh tế vĩ mô như thị trường chứng khoán, đầu tư nước ngoài cũng như giải cứu BĐS. “Chúng ta đang có khoảng 65.000 dự án căn hộ chung cư cao cấp. Nếu không có gói tín dụng này các chung cư cao cấp còn gia tăng như thế nào, nợ xấu còn tăng lên bao nhiêu”, ông Cường đặt câu hỏi.
Nguồn cung căn hộ vẫn còn đang hạn chế
Để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng này, Bộ Xây dựng đang kiến nghị hàng loạt giải pháp. Liên bộ Xây dựng, Tài chính, TN&MT, Tư pháp đã ký một thông tư liên tịch cho phép người mua được dùng chính căn hộ mua để thế chấp vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, NHNN đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nới một số điều kiện để được vay tiền gói 30.000 tỷ đồng.
Theo đó, cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng là đối tượng thu nhập thấp. Cùng với đó, cho phép vay trong gói 30.000 tỷ đồng đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng và không khống chế về diện tích, đơn giá để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số NHTMCP có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân.
Dưới góc độ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group đề nghị, nên chăng để các doanh nghiệp được vay vốn lãi suất thấp, trên cơ sở nguồn vốn giá thấp đó doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành và bán cho người tiêu dùng trả góp không lãi suất. Doanh nghiệp bất động sản sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với ngân hàng về điều này. Có như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn và tâm lý an tâm thoải mái cho người mua nhà.
“Đối với nhà ở thương mại có diện tích nhỏ và giá thấp, tôi đề nghị nên thông thoáng hơn trong các thủ tục hành chính khi mua nhà như việc xác minh về hộ khẩu, chứng minh thu nhập... Tôi cho rằng Chính phủ đã “thương thì thương cho trót” để người mua nhà thấp được tiếp cận dễ dàng hơn”, ông Hưng nói.