10/08/2013 5:39 PM
Theo đề xuất mới nhất của Bộ Xây dựng, tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên có thể được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này.

Giá đắt, người nước ngoài chỉ thuê

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 2/2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP. HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa...

Trong số 126 trường hợp đã mua, 80% là các cá nhân nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20%.

Đối với cá nhân nước ngoài, trong số 108 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam cũng chủ yếu tập trung vào cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 5%.

Tính đến hết quý 2/2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Tính đến hết quý 2/2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Lý giải về số người mua còn ít, Bộ xây dựng cho rằng nguyên nhân lớn nhất là giá cả nhà ở tại Việt Nam tương đối cao, nên nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã chọn phương án thuê.

Ngoài ra, đối tượng quy định được phép mua còn hạn chế. Cụ thể ngoài 5 đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 19/2008/QH12 trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như:

Người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...

Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng tại Việt Nam. Đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu.

Phương án hai, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề).

Cũng vẫn là hai phương án với thời hạn sở hữu, bên cạnh phương án cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm và được gia hạn tiếp thêm một lần 50 năm, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời gian không quá 70 năm và không được gia hạn thêm.

Dự kiến, Bộ Xây dựng trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 trong một kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013 và sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2014 cho đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành vào giữa năm 2015.

Không nên xem là cứu cánh

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, "Hiện nay vẫn có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến đồng ý cho người nước ngoài được mua nhà đất, như vậy thì thị trường BĐS mới trở nên sôi động, không bị ách tắc, mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến không đồng tình, cho rằng sửa đổi luật thì có thể xảy ra tình trạng người nước ngoài họ vào mua hết chỗ này đến chỗ khác thì sao? Với hai luồng ý kiến này, cơ quan quản lý cấp cao cũng cho rằng nên thận trọng. Chúng ta mở nhưng mở từng bước, chứ không phải là mở luôn.

GS. Võ cho rằng, trước hết nên mở để người nước ngoài mua nhà chung cư. Nhiều nước họ cũng đã áp dụng điều này. Chẳng hạn như Mỹ, họ cho mua nhà riêng nhưng với điều kiện là phải có công việc ổn định.

Tuy nhiên, chỉ nên mở đến một phạm vi rộng hơn quy định hiện hành thì có thể được, chứ tất nhiên không thể mở đến mức ai mua cũng được thì không nên. Tức là phải có một số điều kiện nhất định.

"Tuy nhiên, đấy không phải là giải pháp để cứu cánh BĐS. Nó làm cho thị trường BĐS có thể có tăng giao dịch nhưng người nước ngoài sẽ không phải là cứu cánh cho thị trường BĐS Việt Nam. Các nhà đầu tư đừng lầm tưởng. Đừng mơ người nước ngoài sẽ ồ ạt nhảy vào mua", ông Võ nhận định.

Còn TS. Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng đây không phải là giải pháp để cứu vãn thị trường BĐS Việt Nam. Vì thực tế đối tượng này không phải là nhiều. Và việc giải quyết thị trường BĐS Việt Nam phải bao gồm nhiều yếu tố, chứ không phải mỗi việc cho người nước ngoài mua nhà như thế này.

TS. Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật thương mại trường Đại học Luật TPHCM nêu quan điểm, nếu chúng ta sửa luật thoáng quá thì có thể rơi vào tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam mua, sở hữu nhà ở, đẩy giá nhà ở lên cao và người dân Việt Nam không có đủ khả năng chạy theo cạnh tranh với họ.

Từ đó có thể gây ra tình trạng người Việt Nam không có cơ hội để sở hữu nhà ở nữa. Cho nên có sửa chính sách này cũng phải gắn liền với một tầm nhìn mang tính dài hạn chứ không phải vì những lý do trước mắt.

Phương Nguyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.