Ăn dày, buôn nước bọt, tay không bắt giặc, thậm chí là cấu kết với nhóm lợi ích… là những ngôn từ nặng nề dành cho giới đầu tư BOT giao thông. Trong cơn cuồng nộ của dư luận, nhà đầu tư BOT, đặc biệt là những nhà đầu tư tử tế, lấy công làm lãi cảm thấy bị xúc phạm. Họ đang tiến thoái lưỡng nan trong những ì xèo của dư luận và giăng mắc của cơ chế chính sách…
BOT tuyến tránh Cai Lậy - điểm nóng của các dự án BOT thời gian qua. Ảnh: Nhất Huy.
Thua lỗ, “khẩn cầu” Thủ tướng
Theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, doanh thu năm 2016 của dự án BOT cầu Hạc Trì (bắc qua sông Lô, nối từ Vĩnh Phúc sang Phú Thọ) phải đạt ít nhất 138 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 89,93 tỷ đồng (khoảng 65%). Riêng năm 2016, nhà đầu tư dự án này bị âm gần 50 tỷ đồng.
Việc thua lỗ của dự án này bắt đầu từ sự phản đối quyết liệt của người dân khiến các cơ quan chức năng buộc phải cho phép ô tô dưới 7 chỗ lưu thông qua cầu Việt Trì cũ từ tháng 8/2016. Đồng thời, từ khi hai nút giao trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối vào TP Việt Trì được đưa vào sử dụng, xe “phân lưu” lên cao tốc, bỏ qua cầu Hạc Trì.
Những biến động đó, nhà đầu tư không thể nào lường hết khi đặt bút ký hợp đồng BOT. Dù rằng, họ “phiêu lưu” với dự án này khi bộ GTVT, địa phương mời đầu tư, sau hơn 10 năm dự án không tìm ra vốn từ ngân sách để thi công. Họ đã đánh tiếng bán lại dự án cho Nhà nước. Tất nhiên, đó chỉ là “đề nghị cho có” vì như một đại diện của Bộ GTVT trả lời cuối tháng 9 vừa qua, nếu “Nhà nước có đủ tiền, sao phải làm BOT”.
Cầu Mỹ Lợi (QL50) là dự án thất bại nặng nề nhất của nhà đầu tư BOT. Khi nghiên cứu phương án tài chính, việc đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi có tính khả thi, bởi trong quy hoạch hai tỉnh Long An và Tiền Giang sẽ tiến hành xây dựng các khu công nghiệp gần khu vực dự án; đồng thời, tuyến QL50 từ TP.HCM đến cầu Mỹ Lợi sẽ hoàn thành mở rộng ngay khi cầu Mỹ Lợi đi vào khai thác.
Tuy nhiên, đến nay, các khu công nghiệp lớn và QL50 cũng chưa ló dạng. Theo phương án tài chính, trong năm 2016 bình quân mỗi ngày dự án phải thu được ít nhất 120 triệu đồng, nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. Bình quân mỗi tháng chủ đầu tư phải bỏ ra 3 tỷ đồng để bù vào tiền trả lãi vay ngân hàng.
Nhà đầu tư BOT được phân ra 2 loại: Nhà đầu tư thuần tuý, không trực tiếp nắm các nguồn lực thi công dự án và nhà đầu tư vốn là các đơn vị thi công công trình, đầu tư để có việc làm, lấy công làm lãi. Ở trường hợp thứ 2, Cienco 4 là một ví dụ điển hình và cũng đang rơi vào
chán nản.
Một thời gian dài đầu năm 2014, tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ, khi người dân dùng tiền lẻ để trả, nhân viên thu phí nữ bị đánh, nhổ nước bọt vào mặt, ban lãnh đạo Tập đoàn này chỉ biết phản ứng cầm chừng, gặm nhấm nỗi buồn BOT và chờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong lộ trình Bắc tiến tìm việc, đơn vị đứng số 1 về thi công công trình giao thông xuất thân từ Cục Công trình, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động), nhận lời kêu gọi đầu tư, thi công dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo QL 3.
Đây là dự án kinh tế gắn với niềm vui khai mở của người làm cầu đường cho Bắc Kạn – tỉnh nghèo nhất cả nước. Tháng 1/2017, đường xong, đẹp như dải lụa vắt qua núi, rút thời gian từ Hà Nội về Bắc Kạn chỉ còn 2 giờ đồng hồ.
Nhưng khi lập trạm thu phí hoàn vốn, dư luận phản ứng, UBND tỉnh Thái Nguyên (nơi có trạm thu phí) và Bộ GTVT không thông qua việc thu phí của Cienco4 theo hợp đồng BOT. Trong văn bản gửi Thủ tướng và Ban Kinh tế trung ương vào cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Cienco4 “khẩn cầu” được thu phí.
Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả 16 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng cho dự án, đến nay số lãi đã hơn 120 tỷ nhưng không được thu phí trong khi vẫn phải duy trì bộ máy để quản lý đường, xử lý các điểm sụt trượt do mưa lũ.
“Mơ” về một hợp đồng rõ ràng, sòng phẳng
Chưa tính đến các sai phạm về BOT xuất phát từ nhà đầu tư (khi được cơ quan thanh kiểm tra chỉ ra), các điều khoản hợp đồng cũng như quy trình thực hiện là một rừng các quy định giăng mắc với các nhà đầu tư BOT.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, lợi nhuận của các nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT giai đoạn 2011-2015 được xây dựng căn cứ theo quy định của Thông tư 166/2011 do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/11/2011. Theo đó, lợi nhuận của nhà đầu tư được khống chế ở mức 11-12%/năm và chỉ được tính đối với phần vốn chủ sở hữu và không được tính lãi trong thời gian xây dựng.
Trong khi, lãi suất ngân hàng trong thời kỳ này có khi lên đến 20%/năm. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi lãi suất ngân hàng giảm xuống 9%, mức lợi nhuận 11-12% không phải là con số thực sự hấp dẫn. Đơn cử, mức lợi nhuận trung bình trên sàn chứng khoán – thông số thị trường nhất để tính hiệu quả đầu tư là 13,95%/năm.
Quá trình xây dựng và vận hành dự án BOT, nhà đầu tư cũng nếm đủ các vướng mắc về cơ chế chính sách. Nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà đầu tư chính là tình trạng vướng mặt bằng. Nếu có mặt bằng sạch, nhà đầu tư “rải” quân làm một mạch, một ca máy thảm chạy suốt sẽ giảm được rất nhiều chi phí.
Nhưng không ít nhà thầu phải cắm chốt, dừng máy, lãng phí tiền của vì tình trạng giải phóng mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Nếu xảy ra tình trạng nứt nhà dân, để nhanh chóng được thi công, ngoài tiền đền bù theo hợp đồng bảo hiểm, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền túi đền thêm cho dân.
Dù là dự án BOT nhưng việc giám sát chất lượng, thanh quyết toán theo hình thức thực thanh thực chi cả trong xây dựng và bảo trì không khác các dự án ngân sách. Điều này đã không khuyến khích, thậm chí kìm hãm nhà đầu tư/nhà thầu áp dụng công nghệ mới, đẩy nhanh tiến độ để tiết kiệm tổng mức đầu tư.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông xác nhận, Bộ GTVT nhận được rất nhiều phản ánh gay gắt của nhà đầu tư về việc này. “Ở các nước, nếu đã đấu thầu BOT, nhà nước chỉ quản lý, không can thiệp sâu. Nếu chỉ định nhà đầu tư, họ cũng chỉ quản lý đến khâu đấu thầu chọn nhà thầu. Việc giám sát chặt chẽ từng khâu như vừa qua, đúng là gây khó cho nhà đầu tư” – ông Đông nói.
“Tay không bắt giặc” có đáng lo?
Hiện, nhà đầu tư được vay ngân hàng tới 90% tổng mức đầu tư dự án, khiến dư luận đặt vấn đề nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Theo hợp đồng, với phần vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư không được tính lợi nhuận, dự án chỉ chi trả phần lãi vay ngân hàng với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ (thực tế, nhiều nhà đầu tư phải đi vay lãi suất cao hơn, ở mức 11-12%/năm). Lãi suất vốn vay được đưa vào hợp đồng đó hiện cũng thấp hơn mức lợi nhuận của nhà đầu tư trên vốn chủ sở hữu (11-12%). Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, nếu nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, tổng mức đầu tư của dự án được giảm xuống, thời gian và mức thu phí sẽ ít hơn.
Sỹ Lực (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.