CafeLand – Trong định hướng phát triển, TP.HCM hướng đến một đô thị đa cực với nhiều đô thị vệ tinh bao quanh. Thế nhưng, sau nhiều năm được quy hoạch, trong khi một số đô thị vệ tinh bắt đầu tỏa sáng thì cũng có những đô thị lay lắt, trở thành nỗi thất vọng lớn.

Nói đến bất động sản TP.HCM nhiều người nghĩ ngay đến cuộc đối trọng giữa khu Đông và khu Nam, hai khu vực được xem là nóng nhất với những đô thị hiện đại đang dần được thành hình. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển của thành phố còn nhiều đô thị vệ tinh khác, nhưng những đô thị này đều chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Điển hình như khu đô thị Tây Bắc, được xem như một trong những đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố trong quá trình phát triển đa cực nhằm mục tiêu giản dân cũng như giảm khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực. Chuỗi phát triển đô thị này kéo dài từ Củ Chi đến Hóc Môn, tập trung phát triển các cụm dân cư, làng đại học, dịch vụ y tế, vui chơi giải trí… Ngay sau khi được quy hoạch, khu đô thị Tây Bắc đã ngay lập tức thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có cả những siêu dự án tỷ đô. Tuy nhiên, đến nay khu vực này vẫn chỉ là một “vùng trũng” của thị trường, nhiều dự án đắp chiếu, nhà đầu tư bỏ cuộc.

Siêu dự án VIUT đứng trước nguy cơ bị thu hồi sau gần 10 năm bất động.

Mới đây nhất, thông tin UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo xem xét thu hồi siêu dự án khu đô thị đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) có vốn đầu tư 3,5 tỷ USD tại khu vực này. Được biết, ngày 1/7/2008 công ty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysi) được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Dự án có quy mô diện tích 925 ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Theo thiết kế, dự án này sẽ là một siêu đô thị với những đại học hàng đầu và các khu thương mại, dân cư sầm uất. Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và có nguy cơ bị thu hồi.

Nằm cách không xa TP.HCM, thành phố mới Bình Dương và Nhơn Trạch (Đồng Nai) từng được kỳ vọng phát triển để cùng TP.HCM tạo nên một chuỗi đô thị sầm uất, đồng thời cũng là cầu nối tạo nên một liên kết kinh tế vùng trong khu vực. Thế nhưng, sau hàng chục năm được quy hoạch phát triển cả Nhơn Trạch và thành phố mới Bình Dương như đang “lạc nhịp” so với kỳ vọng ban đầu.

Rất nhiều dự án, biệt thự bị bỏ hoang tại thành phố mới Nhơn Trạch.

Được phê duyệt quy hoạch lên thành phố mới từ năm 1996, Nhơn Trạch một thời đã thành tâm điểm của thị trường bất động sản. Làn sóng mạnh mẽ các nhà đầu tư đổ về đây tìm kiếm cơ hội cùng với đó là hàng trăm dư án bất động sản đình đám được công bố. Tuy nhiên, 20 năm sau, miền đất hứa này lại trở thành “nghĩa trang” chôn vùi hàng trăm dự án cũng như tham vọng của các nhà đầu tư. Trong cái “chết” tức tưởi của Nhơn Trạch có nguyên nhân của sự thiếu đi sự kết nối về hạ tầng của đô thị này với TP.HCM và vùng lân cận.

Gần đây, thông tin về đề án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với Nhơn Trạch sẽ được xây dựng đã khơi dậy niềm hi vọng khởi sắc cho đô thị này. Theo một chuyên gia, cây cầu giá trị 5.700 tỷ này sẽ là là sự kết nối tuyệt vời, không chỉ giảm áp lực về giao thông liên kết giữa các vùng mà còn là chiếc đòn bẩy kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản và kinh tế khu chung của Nhơn Trạch.

Thành phố mới Bình Dương vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Thành phố mới Bình Dương cũng đang phải “oằn mình” để rũ bỏ chiếc áo ảm đạm, buồn hiu mà mình đang mặc. Không giống như Nhơn Trạch, hạ tầng giao thông là điểm mạnh của thành phố mới này với những đại lộ được đầu tư chất lượng, bài bản, kết nối đồng bộ. Nơi đây cũng không thiếu vắng những khu đô thị hiện đại, dãy nhà khang trang và những khu biệt thự triệu đô. Tuy nhiên, cái thiếu nhất của khu đô thị này chính là con người. Dễ dàng nhận thấy những dãy nhà khang trang, khu biệt thự hoành tráng nhưng lại bỏ hoang, để chìm trong cỏ dại.

Lý giải nguyên nhân vắng vẻ của các dự án tại Bình Dương, nhiều nhà đầu tư bất động sản cho biết mức giá bán ở đây còn quá cao. Trong khi các tiện ích đảm bảo cuộc sống vẫn chưa hoàn thiện. Quan trọng nhất là thành phố còn quá thưa vắng người dân về đây sinh sống nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty CP Đất Bình Dương (Bình Dương Land), nguyên nhân của sự hoang vắng hiện tại của thành phố mới có phần xuất phát từ lịch sử thời kì sốt nóng của thị trường Bình Dương. Thời điểm đó, các thông tin dự án bị thổi phồng, nhà đầu tư thì ít trong khi đầu cơ rất nhiều đến khi thị trường gặp khó khăn thì lập tức gây nên hiệu ứng đồng loạt.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.