CafeLand – Theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng, cùng với lợi nhuận tăng trưởng khá trong 9 tháng đầu năm, đa số các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng nhanh.

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn

Mặc dù có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đứng đầu danh sách ngân hàng báo lãi lớn vẫn là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2020 đạt 4.983 tỉ đồng, giảm 21%. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này ghi nhận 15.965 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 9% so với cùng kỳ.

VPBank công bố kết quả kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đạt 28.300 tỉ đồng, tăng 7,6%, tính riêng ngân hàng mẹ tăng 18,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, VPBank ghi nhận lãi trước thuế gần 9.398 tỉ đồng, đạt 92% kế hoạch cả năm.

Trong khi đó, MB Bank ghi nhận doanh thu thuần trong 9 tháng đạt gần 19.650 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.134 tỉ đồng, tăng 6,8%, hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2020.

Ngân hàng Quốc tế VIB cũng báo lãi trước thuế đạt 4.025 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 90% mục tiêu cả năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) báo lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt trên 1.666 tỉ đồng, vượt 15,8% kế hoạch của cả năm 2020.

Ngân hàng TPBank báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 3.024 tỉ đồng, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,33% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao so với cùng kỳ như ACB tăng 15,3% với 6.411 tỉ đồng, SeABank tăng 65,8% với 1.131 tỉ đồng, LienVietPostBank tăng 6,4% với 1.741 tỉ đồng,…

Áp lực nợ xấu gia tăng

Báo cáo tài chính hợp nhất của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng đều tăng nhanh.

Như tại Vietcombank, nợ xấu tăng 36% so với đầu năm, với 7.884 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn - tăng gấp 4 lần với 2.923 tỉ đồng, nợ nhóm 4 - nợ tiềm ẩn rủi ro cao - tăng gấp 3 lần lên gần 1.600 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% lên 1,01%.

VPBank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 15% với 10.147 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn hơn 6.278 tỉ đồng, tăng 15%, nợ nghi ngờ hơn 1.777 tỉ đồng, tăng 36% so với thời điểm đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng lên 3,65% từ mức 3,42% hồi đầu năm.

Trong khi đó, nợ xấu của ACB tăng tới 71% so với đầu năm với mức 2.480 tỉ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ xấu tăng nhanh như MBB tăng 39,2%, VIB tăng 26%, VietBank tăng 61%,….

Hai ngân hàng có nợ xấu giảm là NCB, giảm 10 tỉ đồng xuống còn 1,8% so với đầu năm, và SeABank với nợ xấu giảm 96 tỉ xuống còn 2.184 tỉ đồng so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu của SeABank ở mức 2,23%, giảm so với mức 2,31% hồi đầu năm.

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh là do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp, người dân gặp khó, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, nên không có điều kiện trả nợ.

Ngoài ra, nợ xấu tăng còn do kỹ thuật tính toán. Tình hình khó khăn chung của kinh tế khiến cầu tín dụng không cao, tỉ lệ nợ xấu cũng tăng lên. Thời gian tới, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn có thể sẽ làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.

Bà Hồng cho hay, để kiểm soát nợ xấu, NHNN giao cho các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo, phân tích và đề ra biện pháp ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, thời gian qua, các ngân hàng triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm, miễn, hoãn nợ gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Tính đến giữa tháng 9/2020, hệ thống ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng. Việc Thông tư 01 sẽ có thời điểm hết hạn cũng gây nhiều lo lắng về việc nợ xấu sẽ có mức tăng mạnh khi doanh nghiệp và người dân không còn được cơ cấu lại nợ.

Trong khi đó, với việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, bà Hồng cho biết, công tác xử lý nợ xấu được thực hiện hiệu quả, nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu đã được khắc phục.

Theo thống kê từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến ngày 30/9/2020, đã có gần 312.300 tỉ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167.900 tỉ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74.900 tỉ đồng, các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69.500 tỉ đồng.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.