CafeLand - Tỷ giá USD vì nhiều áp lực; Giá vàng chuẩn bị cho kỳ tăng đột biến; Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng... là những tin đáng chú ý sáng nay.

Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng. Dù đã nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhưng việc phát mãi tài sản không dễ dàng, cộng với nợ nhóm 3 (dư nợ dưới tiêu chuẩn) có xu hướng tăng khiến các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong quý I/2018. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2018 của BIDV, các nguồn thu của Ngân hàng đều tăng trưởng, nhưng chi phí dự phòng đã ăn mòn 70% lợi nhuận trước trích lập, với số tiền lên tới 6.000 tỷ đồng. Do đó, BIDV báo lãi trước thuế gần 2.500 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 8,5%. Tính đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 1,62%, đi ngang so với quý trước đó. OCB cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, với tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh đạt 1.157 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí dự phòng tăng 89% lên 140 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giữ ở mức thấp 0,7% chính là lý do dự phòng của ACB giảm trong quý I/2018. Nhìn chung, khả năng sinh lời của nhiều ngân hàng đang ở mức rất cao, nên rủi ro đối với vấn đề xử lý nợ chưa quá đáng ngại. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh đạt được trong quý đầu năm nay, khi không ít nhà băng báo lãi lên tới nghìn tỷ đồng.

Giá vàng chuẩn bị cho kỳ tăng đột biến. Các chuyên gia phân tích cho rằng, áp lực tăng giá của đồng USD nhưng vàng vẫn trụ vững trên mức trung bình 200 ngày. Adam Button, giám đốc điều hành của ForexLive cho rằng, đó là một dấu hiệu tích cực cho giá vàng tuần này. Hợp đồng vàng giao tháng 6 trên sàn Comex của New York Mercantile Exchange giao dịch ở mức 1.321 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng ở mức 36,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,74 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Công ty SJC, giá vàng niêm yết chiều mua vào là 36,65 triệu đồng/lượng, ở chiều bán ra có mức giá là 36,85 triệu đồng/lượng. Tại thị trường TP.HCM, chiều bán ra niêm yết ở mức giá 36,83 triệu đồng/lượng.

Giá dầu bị ảnh hưởng vì căng thẳng Mỹ - Iran. Sự chú ý vào thị trường dầu tuần này vẫn tiếp tục tập trung vào căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Giá dầu tăng mạnh trong tuần trước sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và dọa tái áp đặt “những lệnh trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất” với quốc gia này. Giá dầu WTI tương lai tuần trước tăng 1,4% lên 70,7 USD/thùng, đạt đỉnh hôm 10/5, 71,89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu Brent tương lai tăng 2,8% trong tuần trước, kết tuần ở mức 77,12 USD/thùng, đạt đỉnh hôm 10/5 với mức giá cao nhất 3,5 năm là 78 USD/thùng.

Tỷ giá USD vì nhiều áp lực. Tỷ giá ngoại tệ giảm khi các nhà đầu tư chốt lời trong đợt tăng gần đây, trong khi đà tăng trong đồng euro bị hạn chế. Một số nhà phân tích cảnh báo, đồng đô la sẽ chịu áp lực. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 22.560 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.217 đồng (giảm 8 đồng). Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 22.735 đồng (mua) và 22.805 đồng (bán). Vietinbank: 22.738 đồng (mua) và 22.808 đồng (bán). ACB: 22.740 đồng (mua) và 22.100 đồng (bán). Techcombank: 22.715 đồng (mua) và 22.815 đồng (bán).

Nguyên Huy (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.