CafeLand - Tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu kép của ngành ngân hàng năm 2019 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và lưu ý xử lý tình trạng tín dụng đen.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả của ngành ngân hàng năm 2018, trong đó có việc giữ được lạm phát ở mức thấp trong bối cảnh nhiều nước có quan hệ thương mại tăng lãi suất lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống thấp, còn khoảng 1,89%.

Thủ tướng đánh giá NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Nợ xấu ngành ngân hàng đang tan dần

900.000 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý

Năm 2018, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng GDP lại tăng trưởng cao. Theo Thủ tướng, nguyên nhân là chất lượng tín dụng và mô hình tăng trưởng đã thay đổi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt.

Đến nay, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 1,89%, giảm từ mức 2,46% năm 2016. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỉ đồng nợ xấu. “Nợ xấu trước đây được gọi là cục máu đông, giờ cục máu động nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi”, Thủ tướng phát biểu.

Định hướng nhiệm vụ năm 2019 cho ngành ngân hàng, Thủ tướng đánh giá cao NHNN có chương trình hành động triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và lưu ý NHNN trước nguy cơ, rủi ro từ kinh tế thế giới. “Cần đề cao cảnh giác, luôn theo dõi tình hình, có giải pháp linh hoạt, chặt chẽ để điều hành chính sách”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn của Basel 2, đồng thời kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Lưu ý về hoạt động tín dụng đen, Thủ tướng cho rằng, hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Đáng chú ý, hiện có một tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng. Điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với tất cả người dân, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng.

Big 4 cam kết giảm lãi suất từ ngày 10/1

Tham gia hội nghị, đại diện 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã đưa cam kết sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, bắt đầu từ ngày mai (10/1).

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank, cho biết Agribank sẽ thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (bao gồm cả cho vay trung và dài hạn), dù việc giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng đối với ngân hàng này.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank, cho biết với mức giảm 0,5% lãi suất, ngân hàng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 700 tỉ đồng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank, cho biết các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank sẽ được giảm lãi suất thấp hơn 0,5% với mức quy định trần của NHNN cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Như vậy các khoản vay ngắn hạn sẽ có lãi suất tối đa 6% một năm. Việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019. Đồng thời, giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn hiện tại của doanh nghiệp.

Với việc giảm lãi suất nêu trên của Vietcombank, ông Thành ước tính ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 450 tỉ đồng.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.