16/11/2011 8:56 AM
Trao đổi với VnEconomy xung quanh khoản nợ tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp bất động sản, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: qua báo cáo của các đơn vị, hiện số nợ tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội là rất lớn.
“Nợ tiền sử dụng đất thì có rất nhiều lý do”
Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Cơ quan này đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội tiến hành rà soát lại bằng việc lập 3 đoàn kiểm tra phối hợp với Tổng cục Thuế kiểm tra các dự án này, nhằm làm rõ vì sao doanh nghiệp lại chậm nộp tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, cơ quan quản lý sẽ phải nhìn trên nhiều khía cạnh khác nhau, bên cạnh sự tuân thủ pháp luật thì cũng phải xét sự khó khăn của doanh nghiệp do thị trường ảm đạm để làm rõ nguyên nhân. Nếu doanh nghiệp cố tình chây ì, sẽ có giải pháp đôn đốc bằng cách áp dụng các quy định về cưỡng chế theo luật.

Xoay quanh câu chuyện nợ, trốn thuế của doanh nghiệp cũng như tác động của một số luật thuế mới đối với thị trường bất động sản, VnEconomy đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Vừa qua, Cục Thuế Hà Nội có công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất. Theo ông, thực tế này là do doanh nghiệp cố tình chây ì hay do thuế suất quá cao khiến họ không có khả năng nộp?

Trong thời gian qua, sau khi tổng kết từ thực tiễn và phản ánh từ người nộp thuế, Chính phủ cũng đã cũng đã có rất nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Do đó, nói chính sách thuế có phù hợp không thì tôi không có bình luận gì, nhưng tôi cho rằng việc nợ tiền sử dụng đất thì có rất nhiều lý do.

Có thể là do họ gặp khó khăn thực sự, nhưng thực tế thì họ cũng có cả nghìn cách để trốn thuế.

Mặt khác, vừa qua tôi có ngồi với một chủ doanh nghiệp bất động sản, họ có nói, những người làm chính sách cứ luôn nghĩ rằng đầu tư bất động sản là lãi lớn, nhưng thực tế vốn liếng đầu tư trong nhiều năm qua đã bị quét sạch vì bất động sản giảm giá.

Doanh nghiệp này cho biết, họ có 2.000 tỷ đồng vốn tự có, phải vây thêm 2.000 tỷ đồng nữa để đầu tư nhưng năm vừa qua, giá đất giảm xuống 40% nên doanh nghiệp này đã mất 1.600 tỷ đồng, nghĩa là mất gần hết vốn. Đến năm thứ hai, cộng với thuế suất hơn 20% thì doanh nghiệp đó đang bị âm mấy trăm tỷ đồng.

Cùng với các khoản nợ chưa trả, không ít doanh nghiệp bất động sản đang lo ngại rằng, họ sẽ lâm “trọng bệnh” khi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sắp có hiệu lực với nhiều khoản nộp tăng đáng kể?

Đây là luật thuế không vì mục tiêu tăng thu ngân sách nên tôi cho rằng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản.

Vì không phải là mục tiêu thu ngân sách mà chính là để tăng cường kiểm kê, kiểm soát nên dù số thu ở một số khu vực đô thị có số thu dự kiến tăng lên, song nhiều khu vực khác vẫn giữ nguyên hoặc giảm đáng kể so với cách tính thuế trong pháp lệnh trước đây.

Dự kiến, khi áp dụng luật thuế này, cả nước chỉ thu được khoảng 3.000 tỷ, mà chủ yếu rơi vào các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM với giá đất rất cao nên tôi cho rằng thuế đất tác động đến sản xuất, kinh doanh là không đáng kể. Theo tính toán của chúng tôi, mỗi doanh nghiệp chỉ mất thêm vài chục triệu đồng so với chi phí mà doanh nghiệp đó bỏ ra, thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Ông nói Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không nhằm vào tăng thu ngân sách, nhưng theo báo cáo của các địa phương gửi tới Quốc hội, phần lớn các khoản thu của các địa phương hiện nay lại dựa chủ yếu vào đất đai?

Như tôi đã nói, dự kiến số thu của luật thuế này chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm, so với pháp lệnh thuế nhà đất hiện nay thì khoản tăng là không tăng đáng kể.

Trong số thu của các địa phương có số thu về đất rất lớn, nhưng thực tế cho thấy đó chủ yếu là các khoản thu do nhà nước giao đất, thu tiền cho thuê đất, đấu giá đất... còn riêng về thuế đất thì không lớn.

Hiện các khoản thu về trên toàn quốc khoảng 40 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong khi thuế đất phi nông nghiệp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, con số này chỉ chiếm chưa được 10%.
Theo Bảo Anh (Vneconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.