Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng
cục Thuế đã chỉ đạo Cục thuế Hà Nội rà soát lại, lập 3 đoàn kiểm tra các
dự án địa ốc nhằm làm rõ lý do DN chậm nộp tiền sử dụng đất bởi hiện
nay trên địa bàn Hà Nội các DN kinh doanh bất động sản nợ tiền sử dụng
đất rất lớn.
Theo ông Tuấn, khi tìm hiểu nguyên nhân nợ tiền sử dụng đất, cần xét
đến sự tuân thủ luật pháp nhưng cũng cần cần xét đến yếu tố khó khăn của
DN. Hiện nay giá giao dịch trên thị trường đã giảm, do đó DN địa ốc khó
có khả năng chi trả.
Ông Phạm Đình Thi - Phó vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, sau khi tổng kết từ thực tiễn và phản ánh từ người nộp thuế, Chính phủ cũng đã cũng đã có rất nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc nợ tiền sử dụng đất thì có rất nhiều lý do.
Cũng theo ông Thi, có thể DN gặp khó khăn thực sự, nhưng thực tế thì DN cũng có cả nghìn cách để trốn thuế.
Mặt khác, có DN BĐS cho biết, họ có 2.000 tỷ đồng vốn tự có, phải vay thêm 2.000 tỷ đồng nữa để đầu tư nhưng năm vừa qua, giá đất giảm xuống 40% nên DN này đã mất 1.600 tỷ đồng, nghĩa là mất gần hết vốn. Đến năm thứ hai, cộng với thuế suất hơn 20% thì DN đang bị âm mấy trăm tỉ đồng.
Cùng với các khoản nợ chưa trả, không ít DN bất động sản đang lo ngại rằng, họ sẽ lâm “trọng bệnh” khi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sắp có hiệu lực với nhiều khoản nộp tăng đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Thi, dự kiến, khi áp dụng luật thuế này, cả nước chỉ thu được khoảng 3.000 tỷ, mà chủ yếu rơi vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM với giá đất rất cao nên tôi cho rằng thuế đất tác động đến sản xuất, kinh doanh là không đáng kể. Theo tính toán của chúng tôi, mỗi DN chỉ mất thêm vài chục triệu đồng so với chi phí mà DN đó bỏ ra, thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Được biết, hiện các khoản thu liên quan đến đất trên toàn quốc khoảng 40 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong khi thuế đất phi nông nghiệp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm chưa được 10%.