Thuộc dòng họ Tổng công ty Vinaconex, công ty CP Xây dựng số 11 (Vinaconex 11) được biết đến với các hoạt động bao gồm: xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp; khai thác kinh doanh VLXD; nội ngoại thất, đầu tư kinh doanh nhà, hạ tầng đô thị và KCN…
Cứ xây dựng là... nợ
Từng bị cơ quan thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng do nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp từ tháng 11/2015, Vinaconex 11 ghi nhận khoảng hơn 500 hóa đơn VAT bị vô hiệu hóa.
Tới tháng 10/2016 – gần “mãn hạn” cưỡng chế (theo thông báo của Cục Thuế), đơn vị có công văn đề nghị xuất hóa đơn bán lẻ để có nguồn thanh toán các khoản chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và có cam kết nộp theo quy định.
Theo đó, Thuế Hà Nội ra văn bản cho phép Vinaconex 11 được sử dụng… 01 hóa đơn. Từ đây, xuất hiện khả năng “con nợ” này khó lòng hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí với cơ quan chức năng, bất chấp biện pháp vô hiệu hóa đơn của ngành thuế đeo đẳng suốt một năm qua.
Đáng chú ý, ở báo cáo tài chính quý III, Vinaconex 11 thể hiện trạng thái “nợ đầm đìa” với nhiều ngân hàng. Điển hình, tính đến 30/9/2016, đơn vị còn “cõng” trên lưng các khoản vay ngắn hạn với: Vietcombank – chi nhánh Hải Dương (khoảng 27,82 tỷ đồng; hạn mức vay là 85 tỷ đồng); VietinBank – chi nhánh Nam Thăng Long (khoảng 12,86 tỷ đồng)… Mục đích vay bao gồm: bổ sung vốn lưu động phục vụ thi công công trình/phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một trường hợp tương tự là công ty CP Tư vấn và xây dựng Sông Hồng. Tháng 5/2016, DN (hoạt động kinh doanh tư vấn xây dựng) bị cưỡng chế vô hiệu hơn 300 hóa đơn VAT trong 01 năm do không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt, chậm nộp kéo dài.
Cũng như Vinaconex 11 nêu trên, đơn vị mới đây đã đề nghị Thuế Hà Nội xuất hóa đơn bán lẻ để có nguồn thanh toán các khoản phí, duy trì hoạt động kinh doanh…
Trên website chính thức của Tổng công ty Sông Hồng, công ty CP Tư vấn xây dựng Sông Hồng được giới thiệu là đơn vị liên kết. Tuy vậy, mọi thông số về DN (như lãnh đạo, điện thoại, fax…) đều bỏ trống.
Được biết, Tổng công ty Sông Hồng (trực tiếp hoặc công ty thành viên) đang nắm giữ hàng loạt dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tiêu biểu: Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại – văn phòng và Dịch vụ Công cộng, Khu tái định cư cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên; Dự án Nhà chung cư cao tầng Kim Liên; Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở 137 – Nguyễn Văn Cừ – Gia Lâm….
Đáng chú ý, cách ít ngày diễn ra ĐHĐCĐ 2016 như dự kiến vào 31/10, HĐQT Tổng công ty Sông Hồng bất ngờ thông báo hoãn do cần thêm thời gian chuẩn bị đầy đủ các tài liệu.
La liệt “chúa chổm”
Chỉ khoanh vùng từ tháng 10 tới nay, lượng DN hoạt động có liên quan ít nhiều tới xây dựng – xây lắp (dân dụng lẫn công nghiệp, giao thông) nhận thông báo vô hiệu hóa đơn VAT từ Thuế Hà Nội tỏ ra dày đặc.
Trong họ dầu khí, công ty cổ phần xây lắp dầu khí Hà Nội (trụ sở tại quận Cầu Giấy; ngành nghề kinh doanh là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng) bị cưỡng chế khoảng hơn 400 hóa đơn VAT do không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của chi cục Thuế Cầu Giấy.
Cũng như vậy, công ty CP tư vấn công nghệ và kiểm định xây dựng bị cưỡng chế do đơn vị nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế trên 90 ngày mà chưa nộp đủ số tiền thuế nợ sau khi chi cục Thuế Thanh Xuân đã tiến hành cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản ngân hàng của đơn vị.
Ngoài ra, có thể kể hàng loạt trường hợp gặp nhau ở lý do bị thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo thông báo của cơ quan chức năng) như: công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Hanil; công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng 568; công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Nam Thắng; công ty CP Đầu tư tài chính thương mại và xây dựng Ngân Sơn.
Khá thú vị, công ty CP Tập đoàn Vina Megastar được nhắc tới trong thông báo công khai của Cục Thuế. Theo quyết định cưỡng chế của Cục Thuế Hà Nội ngày 1/11 vừa qua, DN gặp vấn đề “có số tiền quá hạn nộp phải thực tế cưỡng chế theo quy định tại Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế”.
Trên cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, đơn vị này đang trong tình trạng “bị khóa”. Còn nhớ, tháng 4/2015, pháp nhân Vina Megastar cùng cá nhân ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ) được dư luận đặc biệt quan tâm do liên quan chủ yếu tới nghi án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.