12/04/2016 10:05 AM
CafeLand - Ăn theo sự sôi động của thị trường bất động sản gần đây, dịch vụ rao bán thông tin cá nhân của những người đã mua bất động sản tại các dự án đang ngày một rầm rộ.

Gần 3.000 khách hàng sở hữu căn hộ cao cấp X, 456 khách sở hữu căn hộ Y, khoảng 50.000 khách hàng thân thiết của công ty Z là những thông tin dễ dàng tìm thấy khi gõ từ khóa danh sách khách hàng bất động sản trên Google. Thậm chí không cần tìm kiếm, những người bán danh sách khách hàng còn gửi thư điện tử hoặc tin nhắn mời chào.

Một mẩu rao bán danh sách khách hàng công khai

Tương tự, trên Facebook, một người tên Nam rao bán danh sách khách hàng khu vực TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, được phân loại theo ngành nghề, công việc, thu nhập, tiết kiệm ngân hàng, mua xe hơi, bảo hiểm và rất nhiều lĩnh vực khác với giá 25 đồng một số điện thoại, có giảm giá nếu mua trọn bộ.

Theo tìm hiểu, giá của một bộ danh sách khách hàng giao động từ vài trăm nghìn đến khoảng 2 triệu đồng tùy số lượng và nội dung của từng công ty cung cấp. Theo thông tin của một người bán, nếu mua trọn 11 bộ danh sách với hơn 1.500 danh sách khách hàng thì giá chỉ 699.000 đồng. Nếu mua 1 bộ khách hàng bất động sản thì sẽ có giá 300 nghìn đồng.

Một bộ data gồm họ tên, chức vụ, số điện thoại và cả địa chỉ của khách hàng.
Chị Linh, một nhân viên kinh doanh bất động sản tại Bình Thạnh chia sẻ, việc nhận được những lời mời chào mua danh sách khách hàng không phải là điều hiếm thấy. Có thời điểm trung bình 1 ngày chị cũng nhận được vài email và tin nhắn mời chào. Có những thông tin chi tiết đến cả tên dự án, block mà khách hàng đó đã mua. Để tạo sự tin tưởng cho người mua, bên bán còn chủ động đề nghị cho người mua kiểm tra trực tiếp rồi mới giao tiền.

Việc buôn bán thông tin khách hàng không mới nhưng thời gian gần đây đang có dấu hiệu trở lại rầm rộ hơn và cụ thể hơn. Nếu như trước đây danh sách khách hàng chủ yếu phân theo ngành thì hiện nay người bán đã “chia nhỏ” hơn đến từng danh sách khách hàng mua tại các dự án cụ thể. Điều này gây phiền toái cho khá nhiều khách hàng khi liên tục bị “khủng bố” tin nhắn và cuộc gọi mời chào mua nhà, mua bảo hiểm,… mặc dù họ không hề quen biết hay cung cấp thông tin cho những công ty đó.

Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;…

Như vậy, tổ chức cá nhân kinh doanh chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng. Nếu thông tin của người tiêu dùng được bán lại cho bên thứ ba là đã vi phạm quy định pháp luật.

Với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông, có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng/tổ chức (mức phạt cá nhân bằng 1/2). Nếu thương nhân mua thông tin cá nhân rồi liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị trái ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên; hoặc gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng, thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5-2 triệu đồng/cá nhân (tổ chức phạt gấp đôi); bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện vi phạm. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng thực tế thực thì gần như chưa từng xảy ra.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.