Một dự án căn hộ dưới 500 triệu tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 tổ chức tuần vừa qua, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) đã công bố điều chỉnh thiết kế dự án Phúc Thịnh Đức (quận 9, TP.HCM), chung cư TDH - Phước Long theo hướng căn hộ cho người có thu nhập trung bình. Dự kiến trong năm 2013 – 2014, Nhà Thủ Đức sẽ tung ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ S-home có diện tích từ 40-60 m2 và giá bán khoảng 500-600 triệu đồng/căn.
Việc đầu tư căn hộ nhỏ không chỉ là chiến lược của Nhà Thủ Đức mà được khá nhiều doanh nghiệp khác lựa chọn. Ví dụ như Tập đoàn Nam Long cho biết năm 2013 sẽ tung ra dự án E-home 4 có quy mô 12,5 ha, với khoảng 2.100 căn hộ có diện tích thấp nhất 40 m2 và giá bán từ 400 triệu đồng/căn. Trước đó, Nam Long đã tung ra dự án căn hộ bình dân Ehome 1, Ehome 2 và Ehome 3 Tây Sài Gòn với giá bán 615 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ (chưa thuế VAT).
Tập đoàn Đất Xanh cũng đã quyết định nhảy sang đầu tư căn hộ bình dân khi phát triển dự án khu nhà ở tại Hiệp Bình Phước - Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM). Dự án này có quy mô 3,6 ha với vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.
Cùng tham gia phân khúc căn hộ bình dân này còn có dòng sản phẩm mang thương hiệu Cheery của Địa ốc Hoàng Quân; hay Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia tham gia thị trường với 300 căn hộ của dự án Lucky Apartment tại quận Tân Phú và 320 căn của dự án Khang Gia tại quận Gò Vấp. Mỗi căn hộ của dự án Khang Gia tại quận Gò Vấp có giá bán trên 500 triệu đồng/căn (chưa bao gồm VAT).
Bên cạnh đó, loại hình căn hộ mua bán có thời hạn, hay cho thuê dài hạn nhắm vào phân khúc khách hàng dưới 500 triệu như dự án Lê Thành Twin Towers tại quận Bình Tân, TP.HCM. Với tiêu chí bình dân, Công ty Lê Thành lên phương án cho thuê căn hộ tại dự án Lê Thành Twin Towers trong 49 năm với giá 350 triệu đồng.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Thuduc House, nhận định, về cơ cấu thị trường, năm 2013 sẽ là năm bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân. Tuy nhiên ông Chí Hiếu cũng cảnh báo sự bùng nổ ở phân khúc này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp địa ốc nhưng đó sẽ là lợi thế cho người mua khi họ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Cùng kinh doanh một phân khúc nhưng các doanh nghiệp bất động sản đều tự tin vào dòng sản phẩm của mình bởi theo họ ngoài vị trí, các dự án đang cạnh tranh nhau về giá bán, về tiện ích của dự án, và nhất là cạnh tranh về diện ích căn hộ. Nếu xét về khía cạnh lợi tức với doanh nghiệp, thì giá bán 12 triệu – 12,5 triệu/m2 là không hề thấp và là mức giá các doanh nghiệp vẫn có lãi. Điều khiến các dòng sản phẩm S-home thu hút khách quan tâm bởi diện tích đã được doanh nghiệp giảm cho phù hợp với túi tiền và nhu cầu thực tế của đa số người dân.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang kinh doanh thị phần căn hộ S-home cho rằng dự án sẽ thu hút được khách hàng nhiều hơn nếu chủ đầu tư có phương thức thanh toán hợp lý hoặc hợp tác được với các ngân hàng để người mua nhà có thể trả nợ vay trong thời gian dài với lãi suất hợp lý.
-
Nhà siêu mỏng, gỡ mãi không xong
Câu chuyện xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã nóng từ cách đây 7-8 năm, từng nhiều lần được đưa ra chất vấn ở HĐND TP Hà Nội nhưng tới nay vẫn chưa thể chấm dứt. Vướng mắc lớn nhất hiện đang nằm ở những công trình mỏng, méo đã có từ trước năm 2005.
-
Bất động sản: Giảm giá, khơi thông thị trường
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giá nhà giảm xuống, điều kiện mua nhà của người thu nhập thấp trở nên thực tế hơn. Để làm được điều này chính sách phải đi vào thực tiễn, phải thật sự là “bà đỡ” gỡ khó cho thị trường, không chỉ DN mà người mua nhà đang chờ đợi điều đó.