26/03/2012 12:44 AM
Những chung cư (CC) mọc trên những khu đất nhỏ, xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm trên địa bàn TP.HCM đã gây nên nhiều hệ lụy, đặc biệt là quá tải cho hệ thống hạ tầng đô thị, xã hội...

Nở rộ chung cư “khoét lõm”

Chung cư “siêu mỏng” Thiên Nam Apartment nằm lọt thỏm giữa những con hẻm trên đường Thành Thái (Q.10) - Ảnh: Thiên Bảo


"Ăn ké" tiện ích


Chỉ với gần 4.000m2 đất trên đường Trương Phước Phan, Q.Bình Tân, nhưng liên doanh gồm Công ty Phước Thành và Công ty Vĩnh Phong Thái đã xây dựng khu CC Hoàng Kim Thế Gia cao 22 tầng, với 234 căn hộ. Những tiện ích khác phục vụ cuộc sống của người dân như: trường học, bệnh viện, công viên... không được đầu tư.


Trong phần giới thiệu về dự án (DA) này, chủ đầu tư (CĐT) liệt kê hàng loạt tiện ích “ăn ké” như: gần các trung tâm mua sắm, chợ, trường học Bình Trị Đông, công viên Đầm Sen... Cách đó không xa, trên đường Phan Anh, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, Công ty TNHH Nguyễn Quyền đã “khoét” một khu đất rộng hơn 1.700 m2 để xây CC Nguyễn Quyền Plaza cao 14 tầng, với 156 căn hộ.


Khu đất nằm lọt thỏm sau những căn nhà cấp 4 lụp xụp. Để mở đường vào khu CC, CĐT đã phải mua một căn nhà để làm đường. Không được đầu tư bất kỳ tiện ích nào, nhưng DA vẫn giới thiệu đến khách hàng nhiều tiện ích... có sẵn như gần công viên Đầm Sen, chợ, trường học, ngân hàng...


Công ty Trung Đông cũng đang xây dựng DA Trung Đông Plaza (đường Trịnh Đình Thảo, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) trên khu đất rộng chỉ hơn 2.000m2. Mặc dù vậy, CĐT công bố DA cung cấp gần 2.000m2 diện tích sàn thương mại và 120 căn hộ có diện tích từ 55 - 110,5m2. Nhưng "siêu mỏng" hơn cả là khu CC Thiên Nam Apartment (Q.10). Nằm ngay góc hai con hẻm trên đường Thành Thái và Tô Hiến Thành, trên khu đất chỉ rộng hơn 1.200m2, chủ đầu tư là Công ty Nam Hưng Thịnh cũng tận dụng toàn bộ khu đất để xây dựng khu CC cao 10 tầng, gồm 50 căn hộ, trung tâm thương mại, hầm để xe... và tất nhiên, không có thêm bất cứ tiện ích nào.


KS Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cảnh báo hiện nay đang diễn ra thực trạng đáng báo động là những DA lớn vài chục ha ngày càng vắng bóng, thay vào đó là những DA “mi ni” xen kẽ trong các khu dân cư có diện tích chừng mấy ngàn mét vuông. Những CC này đang rất phát triển ở các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp... với lợi thế là "ăn ké" các tiện ích sẵn có.


Dễ làm, dễ ăn


Những DA lớn vài chục ha ngày càng vắng bóng, thay vào đó là những DA “mi ni” xen kẽ trong các khu dân cư có diện tích chừng mấy ngàn m2

KS Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Làn
DN ngày càng thích chọn CC “mì ăn liền” mà ngó lơ DA lớn bởi theo ông Đực, họ quá ngán ngại chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, với CC “mì ăn liền”, DN chỉ thỏa thuận với một vài chủ đất, nhanh gọn và ít rủi ro. Ngoài ra, thời gian làm thủ tục, kinh phí đầu tư cho một CC cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn so với khi làm DA quy mô lớn.


DN chỉ cần mất 6 tháng để làm xong thủ tục, thêm 2 năm xây dựng xong là cứ thế rao bán, nhanh chóng thu hồi vốn. “Điều quan trọng nhất là những DA này có thể sử dụng sẵn hạ tầng cơ sở, không lo mảng xanh, trường học, đường sá... lại được mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao hơn”, ông Đực tính toán.


Lãnh đạo một DN thẳng thắn, làm DA lớn hay nhỏ cũng không khác gì nhau khi nhà nước không có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trong khi làm CC “mì ăn liền” cũng không vi phạm pháp luật hay bị ngăn cấm mà còn “dễ làm, dễ ăn”.


Ông Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM gọi CC này là CC “khoét lõm”. Những CC “khoét lõm”, có cái hay là đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, CĐT dễ bán do giá không quá cao khi DN sử dụng các tiện ích xung quanh có sẵn.


Tuy nhiên, do không có các dịch vụ kèm theo và hầu hết nằm trong những đường, hẻm nhỏ, những CC này gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị. “Trước kia CC chưa mọc lên, nhà nước chỉ tính toán xây dựng hạ tầng phục vụ đủ cho người dân ở đó, nay có thêm CC chắc chắn các dịch vụ sẽ quá tải, đặc biệt là về giao thông”, ông Hòa cho hay.


Theo ông Hòa, phải điều hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với các cư dân hiện hữu về hạ tầng xã hội, dịch vụ. Vì vậy, đối với những khu đất quá bé không nên cho xây dựng bởi khi đó sẽ tác động xấu đến những người dân xung quanh như gây kẹt xe, ngập nước, mất an toàn PCCC...


Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, nên cải tạo cả ô phố, không nên khoét lõm. Khi đó, DA sẽ đủ đất để đầu tư đồng bộ, khép kín từ căn hộ, khách sạn, trung tâm thương mại, đến công viên, trường học, bệnh viện... đáp ứng được nhu cầu sống của người dân.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.