Sợ nợ ngân hàng nên vay người thân
Sau khi kết hôn được 2 năm, vợ chồng anh Dũng quyết định mua căn nhà đầu tiên. Một phần vì quá ngán với cuộc sống ở trọ, một phần vì vợ anh vừa sinh con đầu lòng, cần một nơi rộng rãi, thoáng mát hơn để chăm sóc con.
Khi đó, tiền tích lũy của anh chị chỉ vỏn vẹn 300 triệu đồng từ lương hai vợ chồng góp lại. Hàng tháng, sau khi trừ hết mọi chi phí phòng trọ, ăn uống và sinh hoạt, anh chị cho vào quỹ tiết kiệm 5 triệu đồng.
Tìm hiểu kỹ, vợ chồng anh Dũng thấy việc thuê một căn nhà ưng ý và vay ngân hàng mua nhà trả góp thì hàng tháng đều phải bỏ ra số tiền bằng nhau, nên anh chị đã “chốt đơn” một căn nhà cấp 4, khá rộng rãi với diện tích 86m2 và có giá 1,4 tỉ đồng tại đường Phạm Hữu Lầu, huyện Nhà Bè.
Với số vốn 300 triệu đồng, vợ chồng anh được bố mẹ hai bên hỗ trợ 300 triệu đồng và vay mượn bạn bè thêm 400 triệu đồng. Cộng lại tròn 1 tỉ đồng, như vậy anh chị phải vay ngân hàng thêm 400 triệu nữa, nhưng anh Dũng lại không muốn vay ngân hàng. Anh nghĩ nếu vay người thân sẽ không bị áp lực trả nợ mỗi tháng. Song, anh đã nhầm.
Gọi điện về quê hỏi người thân, anh Dũng được hai người chú cho vay mỗi người 200 triệu đồng. Đây là số tiền mà hai chú vừa có được từ mảnh đất ở quê. Vậy là kế hoạch mua căn nhà đầu tiên của vợ chồng anh Dũng đã thành công mà không gặp trở ngại nào.
Nợ người thân sẽ áp lực khi không biết khi nào họ cần đến. Ảnh minh họa.
Liên tiếp bị "đòi" nợ
Tuy nhiên, khoảng một năm sau một người chú bất ngờ báo tin cần gấp tiền để lo việc gia đình. Trong khi đó, suốt một năm nay anh chị không tích góp đồng nào vì mỗi tháng đều trích số dư trả dần cho bạn bè. Chạy vạy khắp nơi không được, anh Dũng đành vay tín chấp ngân hàng 200 triệu đồng trong vòng 5 năm, với số tiền gốc và lãi hàng tháng khoảng 5,5 triệu đồng để trả cho chú.
Chưa kịp lo xong khoản nợ này, người chú thứ hai lại gọi lên báo cần tiền để lo cho con gái du học nước ngoài chỉ sau đó mấy tháng. Không thể trì hoãn, anh Dũng bàn bạc với vợ đằng nào cũng phải vay ngân hàng thì thế chấp căn hộ anh chị đang ở để vay số tiền nợ còn lại, trả một lần cho xong.
Cộng số tiền nợ của chú và bạn bè, anh Dũng vay ngân hàng 500 triệu đồng trong vòng 10 năm với lãi suất 6,5% năm đầu và 9% những năm tiếp theo. Như vậy hàng tháng, anh chị phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng hơn 8 triệu đồng. Dù khó khăn nhưng theo anh Dũng, vay ngân hàng đỡ áp lực hơn rất nhiều.
Khoảng năm 2019, khi có thông tin huyện Nhà Bè xét duyệt lên quận, bất động sản nơi đây có dấu hiệu tăng giá “chóng mặt”. Giá nhà phố mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu đã lên tới hơn 80 triệu đồng/m2, nhà trong hẻm thì khoảng 40-45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5-10 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá nhà mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu phía quận 7 còn tăng nhiều hơn, cụ thể là khoảng 20-30 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2019, hiện rao bán ở mức 140-150 triệu đồng/m2. Giá đất nền đường hẻm ô tô quanh trục đường Đào Tông Nguyên cũng đã lên mức 56-57 triệu đồng/nền.
Đương nhiên, căn nhà anh Dũng đang ở cũng tăng từ 1,4 tỉ đồng lên 1,7 tỉ đồng. Anh có ý định bán đi để mua một căn hộ gần trung tâm hơn, nhưng vợ anh không đồng ý vì muốn ổn định một thời gian nữa và quan trọng là trả hết nợ.
Hiện tại, vợ chồng anh Dũng chỉ còn nợ ngân hàng 100 triệu đồng. Theo anh, chỉ cần cân đối được tài chính thì vay nợ ngân hàng không tồi tệ như mọi người vẫn nghĩ.
-
Vay nợ ngân hàng: Nông dân trên tài đại gia!
Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở mức thấp "đáng mơ ước" đối với mọi ngân hàng.
-
Thấy chung cư tăng giá, vội bán nhanh để kiếm lời, 9X Thanh Hoá nhận cái kết đắng
Thời gian gần đây, nguồn cung khan hiếm kéo dài khiến giá chung cư Hà Nội được đẩy cao bất thường. Thậm chí, nhiều căn chung cư cũ tăng gấp đôi gấp ba lần thời điểm mua. Trước tình hình này, nhiều người nhanh chóng chớp cơ hội bán nhanh để kiếm lời, ...
-
Vợ chồng 9X nhận nhiều bài học nhớ đời khi không có kinh nghiệm vẫn thích đi "buôn" đất
Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Hằng (1990, Hà Nam) đã đúc kết được nhiều bài học “xương máu” sau 3 lần mua đất.
-
Bài học nhớ đời khi mua dự án chậm tiến độ
Trước khi có được căn hộ hiện tại, vợ chồng chị Nguyễn Hương (34 tuổi, Thanh Hóa) phải trải qua hai lần mua nhà với bài học nhớ đời.