Theo tính toán, khi dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" hoàn thành vào tháng 4-2018 thì toàn bộ khu nam thành phố, với 6,5 triệu dân, sẽ hết phải chịu cảnh ngập úng. Thành phố (TP) đang tập trung nỗ lực làm tất cả những gì có thể để ước mơ này thành hiện thực.
Công nhân thi công công trình Giải quyết ngập do triều cường giai đoạn một.
Gấp rút hoàn thành dự án trọng điểm
Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" do Tập đoàn Trung Nam Group làm chủ đầu tư, có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) được khởi công từ tháng 6-2016.
Công trình nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho toàn vùng, với diện tích 570 km2, khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Hiện, dự án đang triển khai xây dựng sáu cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Ðịnh; 25 cống nhỏ dưới đê; xây dựng
7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn.
Lãnh đạo tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Thịnh cho biết, đến nay, toàn bộ mặt bằng thi công các cống đã được giải quyết xong. Theo hợp đồng, dự kiến đến năm 2019, chủ đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ các hạng mục cho Nhà nước. Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo TP đã đề nghị chủ đầu tư rút ngắn thời gian bàn giao nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình.
Ðồng ý với đề nghị của lãnh đạo TP, ông Thịnh cho biết, có thể rút ngắn thời gian thi công được 14 tháng. Chủ đầu tư cam kết trong năm 2017, Công ty Trung Nam sẽ bàn giao 7,8 km đê kè, đồng thời hoàn thiện cống đầu tiên là cống Bến Nghé. Tiếp đó, lần lượt các cống khác sẽ hoàn thành và đến 30-4-2018, toàn bộ dự án sẽ được thi công xong. Ðể thực hiện được điều này, chủ đầu tư đã cho thi công xuyên Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành.
Về phía TP, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành nhanh dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan giải thích và báo cáo tiến độ thực hiện công việc thuộc trách nhiệm; nêu ra mốc thời gian giải quyết cụ thể đối với từng đầu việc.
Ðể giảm thời gian do những thủ tục hành chính, TP cũng cho phép có những vấn đề không nhất thiết phải làm văn bản qua lại, các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư trực tiếp trao đổi với nhau để giải quyết. Theo đồng chí Lê Văn Khoa, vì lợi ích của người dân TP, cần xử lý nghiêm những trường hợp cá biệt có hành vi vi phạm pháp luật chống đối việc thi công của nhà đầu tư.
Thành phố sẽ hết ngập...
Theo lãnh đạo TP, nhu cầu chống ngập của TP là hết sức cấp bách, cho nên vấn đề nào TP đã kết luận sẽ được triển khai ngay để hỗ trợ nhà đầu tư. Các sở, ngành, quận, huyện phải phối hợp đồng bộ để tăng hiệu quả quản lý đối với dự án chống ngập. Các địa phương nơi có các dự án chống ngập đang được triển khai cần chủ động vận động các hộ dân chia sẻ với TP để rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.
Ngoài việc dồn mọi nguồn lực cho dự án, trước mắt, trong giai đoạn 2016 - 2018, TP cũng sẽ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa ở tám trong số 17 tuyến đường. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây.
Ðồng thời, thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa tại 60 trong số 179 tuyến hẻm. Ðẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày, Nhiêu Lộc - Thị Nghè 480.000 m3/ngày, Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày.
Giai đoạn 2019-2020, TP tập trung hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại năm trong số 17 tuyến đường; hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý triệt để 10 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây; thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa ở 119 trong số 179 tuyến hẻm còn lại; hoàn thành toàn bộ dự án để giải quyết tình trạng ngập nước do triều lưu vực 550 km2. Xây dựng bốn nhà máy xử lý nước thải: Tân Hóa, Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1; nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa.
Với những kế hoạch đồng bộ, lộ trình thực hiện cụ thể bằng một quyết tâm cao độ của TP, người dân có quyền tin vào một ngày không xa, toàn bộ TP Hồ Chí Minh sẽ hết ngập.
Vũ Nguyên (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.