25/09/2012 8:53 PM
Nhiều dự án trong số 17 dự án xi măng (XM) được Chính phủ bảo lãnh với số vốn vay lên đến 22.778 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng mức đầu tư (61.657 tỷ đồng) đang kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán.

Điều đáng nói là nợ khủng và mất khả năng thanh toán lại tập trung về các tập đoàn, TCty nhà nước. Điển hình là XM Hạ Long thuộc Tập đoàn Sông Đà, XM Cẩm Phả thuộc TCty CP VINACONEX, XM Đồng Bành thuộc TCty COMA, XM Thái Nguyên thuộc TCty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam… Nợ khủng XM sẽ thoát ra bằng cách nào? DN tự cứu mình hay tất cả chỉ trông chờ vào Chính phủ?

Lao đao xi măng ngoài hệ thống VICEM

TCty VINACONEX có 2 nhà máy XM là Cẩm Phả và Yên Bình với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng, trong đó XM Cẩm Phả là 6.089 tỷ đồng. Đến hết quý I/2012 XM Cẩm Phả đứng đầu danh sách lỗ với số tiền 1.259 tỷ đồng. XM Cẩm Phả lỗ có nhiều nguyên nhân nhưng suất đầu tư cao 2,64 triệu đ/tấn, tổng mức đầu tư lớn là nguyên nhân chính XM Cẩm Phả loay hoay với nợ nần. Quý I/2012, VINACONEX đã phải trích lập 1 nghìn tỷ đồng quỹ dự phòng mà nguyên nhân chính vẫn đến từ trả nợ của XM Cẩm Phả. Trong khi XM Cẩm Phả tiếp tục lỗ, các đơn vị khác của VINACONEX kinh doanh không mấy thuận tiện thì phương án tối ưu là thoái vốn tại XM Cẩm Phả nhưng rõ ràng việc thoái vốn tại XM Cẩm Phả bất thành vì đối tác chính là TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng đang oằn mình với những khoản nợ đầu tư. Không chỉ “thua” trên sân XM Cẩm Phả, XM Yên Bình cũng đang lỗ đến 932 tỷ đồng. Như vậy, lối thoát cho XM Cẩm Phả và Yên Bình còn khá mờ mịt, số phận của VINACONEX cũng “dềnh dang” theo dự án này.

Đứng thứ 2 trong danh sách lỗ là XM Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà với con số 1.215 tỷ đồng. Điều đáng nói không chỉ lập kỷ lục về mức lỗ, các con số khác cũng tăng đến chóng mặt như: Tổng mức đầu tư tăng từ 3.984 tỷ đồng lên 6.760 tỷ đồng, thời gian thi công chậm gần 4 năm, suất đầu tư 3,21 triệu đ/tấn. Do làm ăn thua lỗ nên Cty buộc phải vay hoặc chiếm dụng các nguồn vốn khác để trả nợ. Đến hết quý I/2012, Cty đã vay 2 nghìn tỷ đồng để trả nợ. Phương án cho số nợ giai đoạn 2012 - 2015 là 1.200 tỷ đồng được XM Hạ Long đưa ra vẫn là “tiếp tục đi vay” khi 6 tháng đầu năm cả Tập đoàn VNIC chỉ lãi 106,3 tỷ đồng. Trong khi số lãi này là phép cộng của các thành viên bao gồm: Tập đoàn Sông Đà, các TCty DIC, Sông Hồng, COMA, LILAMA và LICOGI. Đơn giản là Tập đoàn Sông Đà không thể “giật gấu vá vai” lấy của các đơn vị khác để trả nợ cho XM Hạ Long.

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì Nhà máy Xi măng Đồng Bành và Nhà máy Xi măng Thái Nguyên thuộc diện không có nguồn trả nợ”.

XM Đồng Bành thuộc TCty COMA đến hết quý I/2012 lỗ 196 tỷ đồng. Điều đáng nói là nhà máy này hiện đang chạy chỉ với 25% công suất thiết kế và chưa biết phải làm thế nào khi đến năm 2015, XM Đồng Bành thiếu khoảng 600 tỷ đồng trả nợ và bù đắp nguồn tiền mất cân đối. Theo tính toán phải chạy khoảng 80% công suất thì mới đạt hiệu quả và có tiền trả nợ. Tương tự, XM Thái Nguyên sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã lỗ 77 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì 2 nhà máy này thuộc diện không có nguồn trả nợ. Trong khi tổng mức đầu tư của XM Đồng Bành là 1.505 tỷ đồng, XM Thái Nguyên là 3.536 tỷ đồng, nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh của XM Đồng Bành là 404 tỷ đồng và XM Thái Nguyên là 1.409 tỷ đồng.

VICEM - không lỗ nhưng cũng… oải !

VICEM - nhà sản xuất XM số 1 Việt Nam có 7 dự án được Chính phủ vay bảo lãnh với số tiền 9.125/19.423 tỷ đồng tổng mức đầu tư. XM Hoàng Mai (được chuyển giao từ tỉnh Nghệ An về VICEM) có vốn vay 100% với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng, trong đó vốn vay được Chính phủ bảo lãnh 2.063 tỷ đồng, còn lại vay của các nguồn khác. XM Tam Điệp có tổng mức đầu tư 3.785 tỷ đồng, trong đó vốn vay hơn 99% và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh là 1.774 tỷ đồng. Hiện XM Hà Tiên và XM Hoàng Mai là 2 Cty thuộc nhóm dự án đến hạn trả nợ và đang kinh doanh không lỗ. XM Hoàng Mai đứng thứ 2 trong VICEM (sau Hoàng Thạch) về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm 2012 Hoàng Mai đã lãi 51 tỷ đồng. Ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV VICEM cho biết: “Nợ của XM Hoàng Mai không đáng ngại vì đơn vị này đang sản xuất kinh doanh tốt, XM Hải Phòng cũng có thể giải quyết được, còn XM Tam Điệp thì thực sự khó khăn. Hiện VICEM đã trình Chính phủ xin cơ cấu lại nợ cho XM Tam Điệp. Theo đó, thời hạn trả nợ không thay đổi nhưng phân bố lại thời gian. Cái khó của XM Tam Điệp là trong thời gian trả nợ nhiều nhất lại dồn vào những năm khó khăn nhất. Nếu được Chính phủ đồng ý thì XM Tam Điệp sẽ tự cân đối được dòng tiền trả nợ, sản xuất kinh doanh bớt khó khăn”.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc VICEM xác nhận: “Đến thời điểm này, VICEM không bị lỗ dù phải trả nợ đầu tư đến hạn là 4.500 tỷ đồng”. Như vậy, mấu chốt của VICEM chính là cơ cấu lại nợ của XM Tam Điệp.

Bức tranh nợ khủng của DN XM đã rõ, đường ra còn khá mờ mịt. Có lẽ vì thế nên trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình SXKD VLXD 8 tháng đầu năm 2012, Bộ Xây dựng đề xuất Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung các DN sản xuất VLXD (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13 và được khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời hỗ trợ DN trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay ngoại tệ.

Theo Trung Kiên (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.